“Cuộc cách mạng” của ngành thú y
Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, việc sản xuất thành công vaccine LMLM tuýp O là thành quả của 20 năm nghiên cứu. Sự kiện này sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc sản xuất các loại vaccine, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi.
Hệ thống sản xuất vaccine hiện đại của Công ty RTD. Ảnh: I.T
"Một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn khó xuất khẩu vì chúng ta chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh LMLM theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới. Với việc sản xuất thành công vaccine, tôi hy vọng dịch bệnh sẽ được khống chế, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm ngành chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Xuân Cường - |
Từ năm 1997, nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM và để góp phần hỗ trợ tích cực vào sự phát triển ngành chăn nuôi gia súc của nước ta từ nhỏ bé, manh mún sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô lớn, Cục Thú y đã giao Cơ quan Thú y vùng 6 làm phòng thí nghiệm chủ lực về LMLM tổ chức thu thập hàng nghìn mẫu virus LMLM từ các ổ dịch hoặc chương trình giám sát chủ động tại các địa phương để nghiên cứu, chọn giống gốc nhằm phục vụ việc sản xuất vaccine.
“Phòng chống dịch bệnh LMLM là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của ngành thú y. Do đó, việc chủ động sản xuất được vaccine trong nước để phòng chống dịch bệnh được coi là yếu tố quan trọng giúp chăn nuôi phát triển bền vững” – ông Thành nói.
Ngày 11.12.2017, Bộ NNPTNT đã tổ chức Lễ công bố và chuyển giao giống virus LMLM RAHO6/FMD/O-135 dòng PanAsia của Chi cục Thú y vùng 6 cho 3 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn tại Hưng Yên, gọi tắt là Công ty RTD; Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO tại Bình Dương và Công ty CP Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet tại Thái Nguyên) để có cơ sở tổ chức nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vaccine LMLM.
Ngay sau khi nhận được giống virus LMLM RAHO6/FMD/O-135, các công ty hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của nhà máy sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); tổ chức nghiên cứu, sản xuất, trong đó thử nghiệm ở nhiều quy mô sản xuất khác nhau để bảo đảm ở bất kỳ điều kiện và quy mô sản xuất nào cũng luôn có sản phẩm vaccine LMLM đạt chất lượng.
Kết quả, Công ty RTD đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion từ giống virus LMLM RAHO6/FMD/O-135 của Chi cục Thú y vùng VI chuyển giao. Sau đó, Công ty RTD đã tổ chức kiểm nghiệm đánh giá các tiêu chí của vaccine theo quy định.
Kết quả, vaccine LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion đáp ứng các tiêu chí theo quy định và có tác dụng bảo hộ trâu, bò sau khi được tiêm vaccine.
Theo ông Thành, sự kiện này có thể coi là cuộc cách mạng trong ngành thú y, giúp hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu. “Ước tính, giá thành vaccine sản xuất trong nước có thể giảm 20% so với nhập khẩu, chúng ta có thể tiết kiệm được hàng tỷ USD, quan trọng hơn cả là góp phần khống chế, tiến tới loại trừ bệnh LMLM ở Việt Nam” – ông Thành nói.
Xóa bỏ cơ chế
Bên cạnh việc sản xuất vaccine LMLM tuýp O, Chi cục Thú y vùng VI cùng phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu, chọn lọc giống virus LMLM type A để tiếp tục sản xuất vaccine LMLM type A RAHO6/FMD/A-379. Nguồn gốc virus này được phân lập từ ổ dịch LMLM trên bò vào 2013 tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Giống virus được nghiên cứu, chọn lọc, phân lập có tác dụng phòng chống hiệu quả bệnh LMLM type A cho đàn gia súc. Ngày 25.10.2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ký Quyết định số 4167/QĐ-BNN-TY về việc công nhận giống virus LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” của Chi cục Thú y vùng VI dùng để sản xuất vaccine.
Đánh giá về sự kiện quan trọng của ngành thú y, Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc nghiên cứu, chọn lọc sản xuất thành công vaccine LMLM type O là tin vui cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, vừa giúp phòng chống dịch LMLM vừa góp phần giúp sản phẩm chăn nuôi Việt Nam vượt rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, việc này cũng đánh dấu một bước tiến mới trong mối liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc thương mại hóa các sản phẩm thuốc thú y.
“Thay vì nghiên cứu xong cất vào tủ thì kết quả đó được giao cho doanh nghiệp thương mại hóa. Đây là kết quả của sự phá bỏ tư duy trì trệ trong công tác nghiên cứu khoa học” – ông Cường nhấn mạnh.