KHÔNG TĂNG HỌC PHÍ NĂM HỌC 2023 - 2024: Các trường đại học gồng mình!

Thứ bảy, 12 Tháng 8 2023 09:14 (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp
 
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP (ngày 27-8-2021), sẽ chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
 
Ngân sách đại học ngày càng eo hẹp
Theo đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2023.
 
Học phí là một trong 3 nguồn thu chính của cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, học phí chiếm tỉ trọng 50%-90% nguồn thu, năm học 2023 - 2024 không tăng học phí là thách thức lớn cho các trường.
 
Trong 3 năm vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, các trường ĐH đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ. Tới năm học này, các trường ĐH đều công bố sẽ tăng học phí trong đề án tuyển sinh, mức tăng dự kiến từ 2-13 triệu đồng/năm hoặc tăng gấp đôi. Vì thế, việc chưa tăng học phí gây khó khăn cho nhiều trường, đặc biệt là các trường công lập tự chủ tài chính không được nhận ngân sách nhà nước.
 
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết dựa theo Nghị định 81, trường xây dựng mức học phí năm học 2023 - 2024 cho sinh viên trúng tuyển khóa tuyển sinh năm 2023 là 30 - 32 triệu đồng/ngành (tùy ngành). Tuy nhiên, với thông tin sửa Nghị định 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024 thì trường đang chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
 
Theo đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, năm 2015, trường là một trong 23 trường ĐH đầu tiên trong cả nước thực hiện cơ chế tự chủ. Trong các năm qua, học phí nhà trường chỉ điều chỉnh tăng ở mức dưới 10% chứ không tăng kịch trần theo quy định của Nghị định 81. Chẳng hạn năm học 2021 - 2022, học phí trung bình là 26 triệu đồng/năm/sinh viên thì năm học 2022 - 2023 tăng lên 28 triệu đồng.
 
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho hay trường thực hiện tự chủ từ năm 2017, mức thu học phí của sinh viên hiện nay từ 27 - 29 triệu đồng/năm/sinh viên; năm học 2023 - 2024 dự kiến mức học phí của sinh viên mới từ 28 - 32 triệu đồng/năm/sinh viên.
 
Đại diện Trường ĐH Thương mại cho hay trong bối cảnh thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên từ ngày 1-7 mà học phí không tăng khiến ngân sách của trường ngày càng eo hẹp. Dù vậy, trường cam kết thực hiện đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, sẽ điều chỉnh học phí khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD-ĐT.
 
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng dễ dàng cân đối tài chính. Theo báo cáo của Trường ĐH Y Hà Nội, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên là 56,6 triệu đồng/năm. Trong khi đó, học phí năm học 2022 - 2023 của Trường ĐH Y Hà Nội là 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng. Cũng rơi vào khó khăn tương tự, Trường ĐH Y Dược Thái Bình đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đề xuất Bộ GD-ĐT tham mưu trình Chính phủ có quy định riêng đối với các trường ĐH đã được giao tự chủ mức 1 (tự chủ một phần chi thường xuyên), mức 2 (tự chủ hoàn toàn).
 
KHÔNG TĂNG HỌC PHÍ NĂM HỌC 2023 - 2024: Các trường đại học gồng mình! - Ảnh 1.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Cần có chính sách hỗ trợ
Lãnh đạo Trường ĐH Y Dược Thái Bình đề nghị nếu không được điều chỉnh mức học phí, cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho cơ sở giáo dục ĐH theo đúng mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định 81 cho các đơn vị tự chủ mức 1, mức 2. Theo lãnh đạo nhà trường, khi được giao tự chủ, ngân sách nhà nước không còn, 3 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhà trường duy trì không tăng học phí và đã cố gắng tối đa cân đối thu, chi để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
 
Tuy nhiên, năm nay lương cơ sở điều chỉnh tăng trên 20%, chi phí đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe rất cao nên dự kiến nguồn kinh phí năm học 2023 - 2024 của nhà trường không đủ bảo đảm được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, lương, phụ cấp... và không duy trì được hoạt động bình thường.
 
Đại diện các trường ĐH cho rằng các khoản chi của trường đều trích ra từ nguồn học phí. Nếu học phí không được tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của nhà trường. "Lương tăng, giá cả leo thang. Nếu không tăng lương, thu nhập thì đời sống của giảng viên ĐH sẽ còn vất vả hơn và nhà trường sẽ không có kinh phí để đầu tư cho phát triển" - ThS Phạm Thái Sơn nói.
 
GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng khi tất cả chi phí đều tăng mà học phí không tăng rõ ràng là một thách thức với các trường. Ông nói để có thêm nguồn lực, các trường cần phải xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình. Đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí.
 
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định nguồn lực cho các cơ sở giáo dục ĐH không tăng trong 3 năm nay, trong điều kiện giá cả tăng, rõ ràng là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên. "Để hỗ trợ các trường, Bộ GD-ĐT nỗ lực bảo đảm chi thường xuyên cho giáo dục ĐH, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục ĐH. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. 
 
Theo ThS Phạm Thái Sơn, giải pháp hài hòa cho nguồn thu của các trường và sinh viên khó khăn là cho vay vốn học tập với lãi suất thấp.
Đồng tình, TS Nguyễn Trung Nhân cũng cho rằng cần có chính sách cho sinh viên khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để học tập chứ không nên cào bằng bởi nhiều gia đình vẫn sẵn sàng chi học phí cao để có điều kiện học tập tốt hơn. Nếu không được tăng học phí, nhiều trường sẽ khó khăn trong việc chi cho đầu tư phát triển.
Bộ GD-ĐT thanh tra, kiểm tra 6 nội dung
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục ĐH, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Theo đó, bộ này sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra 6 nội dung chính. Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, ban hành quy định tuyển sinh như: quy chế tuyển sinh, hướng dẫn tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, kết quả tuyển sinh theo từng phương thức, từng trình độ, ngành và nhóm ngành đào tạo của 2 năm liền kề trước đó. 
Thứ hai, thanh tra, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn các ngành, đặc biệt điểm sàn các trường đào tạo ngành giáo viên, sức khỏe. 
Thứ ba, thanh tra, kiểm tra các thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học.
Thứ tư, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh. Bên cạnh đó là kiểm tra việc thực hiện quy định về ra đề thi, in, sao, bảo mật, giao, nhận, vận chuyển, bảo vệ đề thi cùng công tác chấm thi liệu có đúng theo quy định. 
Thứ năm, thanh tra, kiểm tra công tác xét tuyển, gồm: nội dung, thời gian, lệ phí xét tuyển, quy trình xác định điểm trúng tuyển, công khai kết quả xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, quy trình in và gửi giấy báo trúng tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển...
Thứ sáu, thanh tra, kiểm tra việc nhập học, nhận hồ sơ thí sinh trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT giao cho chánh thanh tra bộ quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh. Mục tiêu của việc thanh tra, kiểm tra là để giúp các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và kịp thời nắm bắt, phát hiện, xử lý các vi phạm (nếu có).
 
 

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...