Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn. Học phí với chương trình chất lượng cao tăng lên 48 - 50 triệu đồng, mức học phí đối với diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 - 44 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Đồng loạt tăng học phí
Một trường khối kinh tế khác là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 - 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được nhà trường dự kiến từ 16 - 22 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội dự kiến tăng trung bình 2 triệu đồng học phí tùy theo từng ngành học. Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu. Trường ĐH Điện lực cũng dự kiến tăng học phí 14% so với năm trước, mức học phí năm tới 16 - 18 triệu đồng/năm học.
Sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn khi các trường tăng học phí trong năm học tới
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng đã công bố học phí tăng lên 940.000 đồng/tín chỉ với chương trình chuẩn cho sinh viên năm thứ nhất. Năm ngoái, học phí của trường dao động 715.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5 - 29,9 triệu đồng/năm).
Trường ĐH Công nghệ TPHCM tăng học phí bình quân dự kiến 5,3 - 6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16 - 18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành dược học, sinh viên phải đóng 6 - 6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18 - 20 triệu đồng/học kỳ.
Năm học tới, học phí các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, dược học của Khoa Y, ĐHQG TP HCM là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước)…
Tăng học phí cần tính đến người học và chất lượng
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng vừa muốn mức học phí thấp, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học không tăng, vừa muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể. Thực hiện tự chủ đại học mà nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng học phí thì không thể bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tăng học phí như thế nào và các chính sách kèm theo ra sao để bảo đảm cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người dân là điều cần phải tính toán, xem xét.
"Nguồn thu trong bối cảnh tự chủ đại học là một bài toán khó, cần phải gắn liền với cơ chế quản trị đại học về tài chính. Các cơ sở giáo dục phải quản trị hiệu quả, tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường đại học không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, cuối cùng chất lượng giáo dục không bảo đảm, nhà trường cũng không thể phát triển nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm mới.
Vấn đề ở đây cơ sở giáo dục đại học cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó chi phí sẽ giảm. Trước mắt các trường cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường, từ đó giảm học phí cho người học" - ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng, dù tự chủ, nhà nước vẫn cần đầu tư và tiếp tục chi ngân sách cho giáo dục đại học.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đặt vấn đề các trường tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Việc các trường đồng loạt tăng học phí có thể gây ra nhiều áp lực cho người học. Trên thực tế, học phí là một trong các yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Đã có không ít thí sinh đỗ đại học phải chọn con đường khác vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn.
Trên thực tế, như Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, tổng chi cho một sinh viên đại học ở Việt Nam còn rất thấp so với thế giới, kể cả khi tính theo tỉ lệ GDP. Như vậy muốn nâng cao chất lượng đào tạo bắt buộc chúng ta phải tăng suất đầu tư trên sinh viên. Điều này phục vụ việc mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất để có thể thu hút được đội ngũ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên giỏi hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Mấy năm qua không tăng...
Kinh phí đào tạo của các trường đại học chủ yếu đến từ hai nguồn, một là từ hỗ trợ của ngân sách nhà nước, hai là từ các nguồn đóng góp khác, như thu học phí, doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ, nghiên cứu khoa học. Khi thực hiện theo cơ chế tự chủ và không còn ngân sách nhà nước, nhiều trường lên tiếng gặp khó khăn nếu không tăng học phí. Theo quy định hiện hành, học phí được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỉ lệ tăng không quá 15%/năm.
Lý giải về việc tăng học phí, lãnh đạo nhiều trường đại học cho hay vì mấy năm qua không được tăng học phí, trong khi không nhận được nhiều khoản đầu tư từ ngân sách do đã tự chủ, trường gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm nhiều khoản chi. Một lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng cần cần chia sẻ khó khăn với các trường bởi không có đầu tư trở lại thì các trường rất khó nâng cao chất lượng đào tạo.