Trường Đại học (ĐH) Ngân hàng TP HCM - một cơ sở đào tạo chưa tự bảo đảm chi thường xuyên - cho biết năm học 2023-2024, học phí chương trình ĐH chính quy dự kiến 7.050.000 đồng/học kỳ; chương trình ĐH chính quy chất lượng cao dự kiến 17.922.500 đồng/học kỳ. So với các năm học trước, học phí chương trình chất lượng cao có tỉ lệ tăng 5%; hệ đại trà tăng khoảng 40%.
Tăng học phí, bảo đảm chi thường xuyên
Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhiều năm qua trường không tăng học phí nên năm nay điều chỉnh mức tăng theo Nghị định 81/2021. Tuy tăng 40% nhưng thực tế, mức học phí của trường này lại thuộc diện thấp nhất so với các trường đang thực hiện bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Thông báo của Trường ĐH Công nghệ TP HCM (trường tư thục) cho thấy trong khóa tuyển sinh năm 2023, trường sẽ thu học phí với đơn giá 1.300.000 đồng/tín chỉ đối với các ngành bình thường, ngành kỹ thuật xét nghiệm y học là 1.400.000 đồng, ngành dược 1.500.000 đồng/tín chỉ. TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay năm nay, trường tăng học phí ở mức 10%, năm trước là 7%.
Sinh viên đóng học phí tại một trường đại học ở TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM (đang bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí khóa tuyển sinh năm 2023 khoảng 30 triệu đồng/năm, tăng 10% so với khóa tuyển sinh năm 2022. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho rằng tăng học phí là việc bắt buộc vì lương giáo viên tăng, chi đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, các khoản chi thường xuyên… cũng không ngừng tăng. Đây là trường đào tạo nhiều ngành khối kỹ thuật nên đầu tư trang thiết bị cho các ngành này là quá lớn, trong khi ngân sách đầu tư từ nhà nước không còn.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội, năm học 2023-2024, trường sẽ tiếp tục tăng học phí theo lộ trình quy định của Chính phủ đối với các đơn vị giáo dục tự chủ theo mức tự chủ chi thường xuyên. Học phí tăng không vượt quá hai lần so với mức trần năm học 2022-2023. Trường cũng có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên để bảo đảm cơ hội học tập cho các trường hợp khó khăn.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81. Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho hay nhà trường sẽ tăng học phí theo lộ trình. Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tăng học phí khoảng 10%. Cụ thể, khối kỹ thuật 415.800 đồng/tín chỉ, khối kinh tế 353.300 đồng/ tín chỉ…
Không còn cách nào khác!
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, cho hay theo Nghị định 81, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hằng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022 - giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua 3 năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023.
Ông Ngô Văn Thịnh nhận xét việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm. Với các trường ĐH công lập, nguồn thu học phí chiếm trên 80% tổng nguồn thu của trường. Vì thế, nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình, cho biết khối ngành Y Dược có mức chi phí đào tạo rất lớn. Các khoản chi thường xuyên tăng mà học phí không được tăng trong 2 năm qua đã gây rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện hoạt động chung của trường.
Ông Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP TP HCM, thông tin 86% ngân sách hoạt động của trường là từ học phí. Trường đã cố gắng điều chỉnh lương cho giảng viên để bảo đảm thu nhập tương đối nhằm giữ chân người lao động, tránh tình trạng "chảy máu chất xám". Tuy nhiên, thu nhập của họ so với giảng viên trường tư thục vẫn tương đối thấp, nếu học phí không tăng sẽ rất khó khăn.
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng tăng học phí sẽ tác động mạnh đến cơ hội tiếp cận ĐH của người học. Thế nhưng, các trường không còn cách nào khác khi đang phải thực hiện lộ trình phải bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong khi lẽ ra phải đầu tư mạnh cho giáo dục thì ngân sách nhà nước lại cắt.
"Những dự án đầu tư lớn cho nghiên cứu, phát triển khoa học cũng không có nên nhìn chung, các trường ĐH khó phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu chuyển giao công nghệ để đa dạng hóa nguồn thu. Do vậy, phần lớn nguồn thu của các trường vẫn đến từ người học" - hiệu trưởng này nêu thực tế.
Không giảm cơ hội vào đại học
Liên quan vấn đề học phí ĐH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo Bộ GD-ĐT tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 74/NQ-CP của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trước ngày 30-5 để địa phương và các cơ sở GD-ĐT có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023-2024.
Đối với giáo dục ĐH, nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn - giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp... để không làm giảm cơ hội vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao, đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế...