Phải tìm đủ cát cho các dự án lớn ở ĐBSCL

Thứ năm, 07 Tháng 9 2023 12:11 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương ở ĐBSCL gấp rút triển khai biện pháp bảo đảm cung ứng đủ cát cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là 4 dự án đường cao tốc trong vùng
 
Ngày 5-9, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và các địa phương ĐBSCL về việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL.
 
Lo ảnh hưởng tiến độ dự án
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL gồm 4 dự án đường cao tốc (Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Mỹ An - Cao Lãnh) có tổng chiều dài là 355 km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỉ đồng với tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp cho các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra, làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh dành sự ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Thủ tướng giao chỉ tiêu cung ứng cát cụ thể cho các địa phương.
 
Trong đó tỉnh An Giang được giao chỉ tiêu cung ứng 7 triệu m3 (trong đó năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 tri
ệu m3). Các địa phương trên ưu tiên bố trí ngay cát đắp nền cho dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Phải tìm đủ cát cho các dự án lớn ở ĐBSCL - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tình hình thi công đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào sáng 5-9 Ảnh: CA LINH
 
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết các tỉnh, thành ở ĐBSCL hiện cấp 121 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, trong đó cát san lấp 63 triệu m3, cát xây dựng 17 triệu m3. Thời gian qua, các địa phương trong vùng cấp thêm 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng.
 
Như vậy, tổng cộng có khoảng 120 triệu m3, trong đó có 20 triệu m3 cát xây dựng và 100 triệu m3 cát san lấp.
 
"Trữ lượng cát ở ĐBSCL nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý thì hoàn toàn cấp đủ cho các dự án thành phần, bởi lẽ 4 dự án đường cao tốc cần 53,68 triệu m3 nhưng không phải cần trong một năm mà trải đều các năm, trong đó tập trung năm 2024 nhiều nhất, sau đó giảm dần" - Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định.
 
Mặc dù trữ lượng cát đắp nền được lãnh đạo Bộ TN-MT cho là đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án nhưng theo Bộ GTVT, việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ. Vì thế, nếu các địa phương không sớm hoàn tất các thủ tục để cung ứng theo kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng tiến độ hoàn thành các dự án.
 
Thực tiễn cho thấy hiện nay, chỉ mới có tỉnh An Giang quyết định bố trí 1,1 triệu m3 cát cho dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ 4 mỏ đang khai thác nhưng việc cung cấp cát của các chủ mỏ còn chậm. Trong khi đó, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long chưa xác định đủ nguồn cung ứng cho dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
 
Trước những bất cập này, một số địa phương đã và đang tìm biện pháp khắc phục. Điển hình là vừa qua, HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành nghị quyết về một số biện pháp quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án thành phần 4 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Theo đó, Sóc Trăng dự kiến mở 7 mỏ, đặt hàng cung ứng hàng triệu mét khối cát cho dự án này.
 
Trong 10 năm qua, tỉnh Tiền Giang không cấp phép bất kỳ mỏ cát nào vì tránh hiện tượng bất lợi cho 2 bên bờ sông nhưng vừa qua tỉnh cũng đã khảo sát, tính toán lại khai thác với công suất hàng triệu mét khối cát/năm.
Không được chần chừ!
 
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho hay toàn tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần hơn 18,1 triệu m3 để san lấp nền, trong đó các địa phương bố trí trên dưới 1,47 triệu m3, đạt 8%. Đến nay, dự án đã tiếp nhận 0,48 triệu m3 từ các địa phương.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã thu hồi giấy phép khai thác đối với các mỏ của 2 doanh nghiệp và khu mỏ của Công ty Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 mỏ đã dừng hoạt động nên thiếu tổng cộng gần 4,3 triệu m3 khối cát cho dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và dự án Cần Thơ - Cà Mau.
 
Để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ cho các dự án, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ GTVT sớm tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP ngày 28-11-2018 của Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án nạo vét thông luồng giao thông thủy kết hợp thu hồi khoáng sản, vật liệu san lấp nhằm tăng nguồn cung cấp cho các công trình trọng điểm của vùng ĐBSCL.
 
Đối với dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cam kết đến ngày 20-9 sẽ hoàn thành cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu để bảo đảm đủ nguồn cát san lấp cho dự án này theo chỉ tiêu được Thủ tướng giao, cũng như điều phối đủ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn.
 
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, đánh giá hầu hết các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai rất tốt, không nơi nào thiếu nguyên vật liệu nhưng tại dự án Cần Thơ - Cà Mau lại thiếu cát.
 
Đồng tình với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông Thắng góp ý: "Hiện nay cát dành cho các dự án đường cao tốc ở ĐBSCL thấp hơn rất nhiều so với trữ lượng được cấp phép. Những việc này đang triển khai bình thường, chẳng phải khai thác quá mức ảnh hưởng đến môi trường. Nếu không triển khai làm đường cao tốc thì các tỉnh vẫn cấp phép khai thác. Tiến độ dự án không cho phép chúng ta chần chừ, dành tất cả thời gian lớn nhất cho thi công và chờ lún, càng chậm thì càng ảnh hưởng đến chất lượng công trình".
 
Phải tìm đủ cát cho các dự án lớn ở ĐBSCL - Ảnh 3.
Khai thác cát trên sông Hậu, đoạn qua TP Long Xuyên, tỉnh An Giang Ảnh: VĨNH KỲ
 
Ghi nhận ý kiến, đề xuất của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu đang thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường, chống sạt lở.
 
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ở ĐBSCL gấp rút tháo gỡ vướng mắc, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ cát cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là 4 dự án đường cao tốc nói trên.
 
Cụ thể, các địa phương phải hoàn thành thủ tục, đưa những mỏ mới vào hoạt động cũng như gia hạn, nâng công suất các mỏ hiện có hoặc đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn. Bên cạnh đó, tất cả mỏ khai thác vật liệu phục vụ dự án cao tốc trọng điểm quốc gia phải hoàn thiện thủ tục theo cơ chế đặc thù trong năm 2023 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
 
Yêu cầu An Giang báo cáo việc khai thác cát
 
Trong 3 địa phương gồm An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cung cấp nguồn vật liệu cát lớn cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL thì An Giang là gặp khó khăn nhiều nhất.
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu An Giang sớm có báo cáo đầy đủ cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng về hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, vi phạm của doanh nghiệp để xử lý nhưng không làm cản trở việc đưa nguồn vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc.
 
Phó Thủ tướng cũng thống nhất chủ trương thành lập tổ công tác kỹ thuật với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ TN-MT, các địa phương để giải quyết những vấn đề vướng mắc pháp lý, thực hiện điều tra, khảo sát những mỏ cát mới, khu vực có tiềm năng để đưa vào quy hoạch.
 

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng