Phối cảnh công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn.
Theo quyết định phê duyệt dự án, Dự án có tổng mức đầu tư 3,3 nghìn tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Công trình nằm trên công Cái Lớn.
Đây là một công trình thủy lợi cần thiết và cấp bách, nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho các mô hình sản xuất (ngọt, ngọt – lợ luân phiên, mặn), với diện tích đất hưởng lợi lên đến 384.120 ha thuộc bốn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.
Công tác thi công trên công tình rất nề nếp.
Công trình này sẽ kết hợp với tuyến đê biển tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Một số hạng mục đang khẩn trương thi công.
Dự án cũng sẽ góp phần cung cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt của hai huyện: An Minh, An Biên (Kiên Giang) với những năm ít mưa, và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Một số hạng mục đang khẩn trương thi công.
Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cống sông Cái Bé có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi-lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông. Đê nối hai cống với Quốc lộ 61 dài hơn 5,7km, mặt đê rộng 9m, phần xe chạy 7m.
Một số công đoạn công nhân phải trầm mình dưới nước.
Công trình được xây dựng, điều chỉnh chế độ vận hành (đóng/mở) cống để giảm tác động dòng chảy và môi trường, đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát tự động nhằm đánh giá kịp thời diễn biến môi trường, chất lượng nguồn nước; tổ chức quan trắc, giám sát tự động liên tục trong giai đoạn thi công và định kỳ trong giai đoạn vận hành về chất lượng nước.
Công nhân thực hiện việc công việc dưới độ sâu -10m.
Dự án có 196 hộ dân bị ảnh hưởng, tuy nhiên tất cả đều đồng thuận, ủng hộ công trình.
Mọi công việc đều thực hiện tỉ mỉ.
Thời gian qua, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động nhân công bị hạn chế. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn duy trì thi công, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Phía trên, chỉ huy công trình giám sát chặt chẽ.
Hiện tại, công trình cống Cái Lớn đã thực hiện được hơn 25% thời gian dự kiến, nhưng khối lượng công việc đã thực hiện đạt hơn 30%.
Tráng bê-tông cho móng trụ, trước khi đổ bê-tông.
Các mũi thi công vẫn đang triển khai đồng loạt, hàng trăm cán bộ, công nhân, người lao động vẫn ngày đêm có mặt tại công trường, hoạt động hết công suất 3 ca liên tục, để sớm đưa công trình vào hoạt động.
Công nhân làm việc trên một trụ đã xong phần đổ bê-tông
Lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), đơn vị đại diện chủ đầu tư thường xuyên có mặt tại công trường, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
Công nhân đang làm việc ở trên một trụ móng giữa sông.
Đồng bằng sông Cửu Long sắp bước vào mùa mưa, điều đó sẽ gây nhiều khó khăn trở ngại cho công tác thi công công trình. Chủ đầu tư cùng với các nhà thầu cũng đã đề ra một số giải pháp để tiếp tục đầy nhanh tiến độ trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Mọi công đoạn đều chăm chút cẩn thận.
Khi hoàn thành, dự án này cùng 16 đập ngăn mặn do địa phương sắp triển khai sẽ khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau.
Tráng bê-tông trên một trụ móng.
Người dân trong vùng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đang rất nóng lòng chờ đợi công trình nghìn tỷ đồng này hoàn thành, sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn về sản xuất và đời sống mà lâu nay họ đang gặp phải.
Chủ đầu tư và các nhà thầu kiểm tra tiến độ thi công.
Khi cống Cái Lớn và Cái Bé được xây dựng hoàn thành sẽ khép kín được toàn tuyến đê biển Tây từ Phú Tân (Cà Mau) đến Hà Tiên. Khi đó, không chỉ riêng Kiên Giang mà các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng được bảo vệ trước những tác động bất thường từ biển.
Rất nhiều thiết bị, phương tiện được huy động đến công trường.
Dự kiến công trình Cống Cái Lớn sẽ hoàn thành cuối năm 2021.
Chiều muộn trên công trường.
VIỆT TIẾN - (nhandan.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)