Thi công công trình đường Trần Hoàng Na công trình trọng điểm năm 2020.
Báo cáo cho biết, trong năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng cơ bản thành phố Cần Thơ là gần 5.537 tỷ đồng, bằng 97,17% so với cùng kỳ và giảm hơn 864 tỷ đồng so với kế hoạch giao đầu năm 2020. Trong đó, vốn ODA hơn 592 tỷ đồng, vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu gần 726 tỷ đồng, dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 là 90 tỷ đồng, vốn trong cân đối ngân sách địa phương gần 3.313 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương gần 1.223 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 1.390 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương hơn 733 tỷ đồng và các nguồn vốn khác gần 82 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, môi trường, giao thông, tái định cư…
Một trong những khó khăn, vướng mắc xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2020 là công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Một số quận, huyện chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất cấp quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chưa hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công công trình. Chưa tạo được quỹ nền tái định cư để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng, đã làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Tiến độ triển khai các dự án các khu tái định cư chậm, mặc dù nhu cầu là cấp bách. Chỉ mới có 02 khu tái định cư khởi công xây dựng là Ô Môn và Thốt Nốt; quận Cái Răng đang tổ chức đầu thầu, còn lại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Phong Điền dự kiến đầu thầu trong tháng 12/2020.
Công tác phối hợp giữa cơ quan tham mưu phân giao vốn, chủ đầu tư dự án có trường hợp chưa sát thực tế tiến độ dự án, phải đề xuất điều chỉnh, cắt giảm, điều chuyển vốn một số dự án, trong đó có các dự án trọng điểm. Một số đơn vị tư vấn, chủ đầu tư trình hồ sơ dự án cho Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố chưa đạt yêu cầu, có trường hợp trả hồ sơ, thực hiện lại.
Chủ đầu tư chưa có những yêu cầu chặt chẽ với nhà thầu để lập kế hoạch, tiến độ, kế hoạch giải ngân, kế hoạch huy động nhân công, máy móc, thiết bị lúc cao điểm. Năng lực thi công của một số nhà thầu còn yếu, chưa đáp ứng được khả năng huy động máy móc, vật tư để tập trung triển khai nhanh chóng các hạng mục công trình. Các chủ đầu tư chưa thực hiện các hình thức chế tài, xử lý vi phạm đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng, về thời gian hoàn thành dự án…
Phương hướng kế hoạch đầu tư công cho xây dựng cơ bản thành phố Cần Thơ năm 2021 với nhu cầu tổng vốn đầu tư là hơn 9.746 tỷ đồng. Mục tiêu là ưu tiên dành vốn đầu tư công phát triển hạ tầng mang tính động lực, lan tỏa, đáp ứng yêu cầu của mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, giai đoạn đầu Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển thành phố Cần Thơ 10 năm 2021 - 2030 ngay trong đầu năm 2021.
Đầu tư đồng bộ phát huy hiệu quả các công trình trọng điểm, có tính liên kết, kết nối vùng, phù hợp với Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Trung ương đầu tư trên địa bàn, trọng tâm là các công trình kết nối về giao thông, thủy lợi, ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, các khu tái định cư phục vụ cho việc triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách; mở rộng và phát triển đô thị, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… phát huy vị trí, vai trò trung tâm vùng của thành phố Cần Thơ.
Một trong những dự án trọng điểm được thành phố Cần Thơ quan tâm là dự án đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C, cùng một số dự án khác là những dự án trọng điểm của thành phố Cần Thơ mang tính kết nối, tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của thành phố Cần Thơ.
Huỳnh Biển - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)