Xe nhập từ ASEAN đã về đầy cảng.
Ô tô nhập khẩu ồ ạt tràn về
Nếu nhìn vào thực tế giá bán các mẫu xe nhập được đưa ra gần đây nhiều người sẽ tiu nghỉu và những ai xuống tiền mua xe trước thời điểm 2018 lại được phen hả hê. Đúng thật, người người nhà nhà kỳ vọng khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ về 0% từ ngày 01/01/2018. Bên cạnh đó những dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 2.0L cũng được giảm thêm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt nên giá cũng giảm. Về lý thuyết là như vậy nhưng hiện thực phụ phàng lại hoàn toàn đảo chiều khi từ Honda CR-V, Toyota Fortuner đến các mẫu xe nhập khác đều có chiều hướng tăng giá sau khi chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu.
Cụ thể, đối với mẫu CUV nhập Thái Honda CR-V kể từ khi về nước đến nay thì mẫu xe này đã được Honda Việt Nam tăng giá bán 2 lần với mức tăng 15 triệu đồng. Trong khi đó mới đây Toyota Fortuner 2018 gia tăng "đánh chiếm" phân khúc SUV 7 chỗ bằng việc tung thêm 2 phiên bản máy dầu nhưng mức giá chẳng hề dễ chịu hơn. Hiện tại Fortuner có tới 4 phiên bản được bán ra tại Việt Nam và mức cao nhất là 1 tỷ 354 triệu đồng với động cơ dầu, 2 cầu số tự động. Như vậy sẽ không có chiếc Fortuner nào giá dưới 1 tỷ như trước đây (Bản 2.4G 4x2 MT có giá bán hiện nay 1,026 tỷ đồng, tăng 45 triệu đồng trong khi trước đây là 981 triệu đồng).
Nhiều người vẫn mộng ước xe ô tô giá rẻ.
Trong khi đó, từ ngày 1/7 tới đây giá cao nhất của Honda CR-V là 1 tỷ 83 triệu đồng. Theo thông tin Honda Việt Nam đưa ra, đơn vị này sau khi tính toán lại các yếu tố ảnh hưởng từ việc nhập khẩu xe theo quy định mới của Nghị định 116 nên mới có động thái tăng giá bán. Còn về phần mình, Toyota Việt Nam nâng cấp cho đời 2018 thêm các trang bị an toàn như ổn định thân xe, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, túi khí, phanh đĩa sau... Có chăng đây là nguyên nhân tăng giá bán?
Xe lắp ráp cũng chẳng "ngồi yên"
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải đã từng nhận định: “Giá xe 2018 sẽ đi lên chứ không thể giảm hơn được nữa”. Quả thật, sau Tết là khoảng thời gian nhiều mẫu xe của thương hiệu này điều chỉnh tăng giá bán. Điển hình là mẫu Mazda CX-5 trong tháng 1 tăng 30 triệu đồng, đến cuối tháng 2 tăng từ 20-30 triệu đồng. Mẫu xe Mazda 3 cuối tháng 2 cũng tăng thêm 10 triệu đồng. Các dòng xe Kia cũng "nhận lệnh" trên khi chiếc MPV Rondo cũng nhích thêm 20 triệu đồng.
Ngay cả thương hiệu Nissan vốn nằm ngoài cuộc đua về doanh số cũng như giá bán cũng điều chỉnh giá bán mẫu sedan cỡ B Sunny tăng từ 10 đến 11 triệu đồng tùy từng phiên bản. Trước đó, mẫu Crossover X-Trail lắp ráp cũng tăng giá từ 25-27 triệu đồng tùy từng phiên bản, mức giá này có hiệu lực từ tháng 4/2018.
Nissan Sunny đang trên con đường từ bỏ danh hiệu sedan cỡ B rẻ nhất Việt Nam bằng việc tăng giá bán.
Giấc mơ sở hữu xe giá rẻ tan tành
Trước thời điểm 2018 nhiều doanh nghiệp tính toán cho thấy, giá xe nhập được hưởng thuế suất 0% sẽ giảm từ 20-25%, cạnh tranh khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước phải hạ giá. Nhưng giá rẻ đâu chẳng thấy mà chỉ thấy người tiêu dùng "dài cổ" chờ đợi cùng với việc móc hầu bao nhiều hơn trong giai đoạn mà người ta gọi là ô tô hóa (motorization). Thời điểm cuối năm 2017, số liệu thống kê cho thấy có khoảng 20% số khách hàng đã không quyết định mua xe, chờ sang 2018 giá rẻ hơn. Thời điểm này, xe nhập không về, giá xe cao, nguồn cung thấp nên khách hàng vẫn tiếp tục chờ đợi, hy vọng xe nhập thuế 0% sẽ về nước. Và đến nay, sau đúng nửa năm giấc mơ ấy tan tành.