Gojek - nền tảng gọi xe và giao đồ ăn, có trụ sở tại Indonesia - đã quyết định nói lời tạm biệt thị trường Việt Nam từ ngày 16-9. Theo Gojek, quyết định này phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty mẹ - Tập đoàn GoTo, công ty công nghệ lớn nhất tại Indonesia.
Chóng nở cũng mau tàn
Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8-2018 với tên gọi GoViet cùng 2 dịch vụ GoBike để gọi xe máy và GoSend để giao nhận. Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood và trở thành đối thủ đáng gờm của Grab khi triển khai loạt chương trình đồng giá chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet bất ngờ từ chức và người đảm nhiệm vị trí CEO thay ông Đức là bà Lê Diệp Kiều Trang - cựu CEO Facebook Việt Nam. Sau 5 tháng dẫn dắt GoViet, nữ lãnh đạo này cũng rời "ghế nóng".
Trong năm đầu tiên hoạt động, GoViet đã đạt nhiều kết quả ấn tượng khi đạt mốc 100 triệu đơn hàng và chỉ sau đó 6 tháng, con số này nhanh chóng tăng lên gấp đôi. Thế nhưng, đến tháng 8-2020, thương hiệu GoViet bị xóa sổ và công ty đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của tài xế cũng được đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ GoTo. Đồng thời, ông Phùng Tuấn Đức - lúc đó là giám đốc vận hành GoViet được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam.
Tại thời điểm đó, Gojek đang "hụt hơi" trước các đối thủ. Theo báo cáo của ABI Research, số cuốc xe của GoViet chỉ chiếm tỉ trọng 10,3%, xếp sau Be (15,6%) và Grab (72,8%). Ở mảng giao đồ ăn, GoFood cũng xếp sau GrabFood và Now về mức độ hài lòng và mức độ sử dụng thường xuyên. Đến giai đoạn năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình hoạt động của Gojek Việt Nam lại gặp thêm nhiều khó khăn. Năm 2022, GoTo ghi nhận khoản lỗ ròng tăng 56% so với năm 2021, lên mức 2,7 tỉ USD.
Đến tháng 1-2023, ông Phùng Tuấn Đức đã quyết định rời Gojek Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp riêng. Lúc này, ông Sumit Rathor, Giám đốc vùng của Gojek tại Indonesia được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Gojek tại Việt Nam. Như vậy, kể từ khi thành lập đến khi chính thức dừng hoạt động, Gojek đã đổi tổng giám đốc đến 4 lần.
Trong năm 2023, dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết Gojek chỉ chiếm vỏn vẹn 3% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam.
Theo báo cáo về "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" do Q&Me thực hiện mới đây, Grab vẫn là nền tảng chiếm thị phần cao nhất với 42%, còn Be và Xanh SM - 2 ứng dụng của Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng và tiến gần với tỉ lệ lần lượt 32% và 19%. Trong khi đó, Gojek từng là một trong những ứng dụng phổ biến nhất đã tụt xuống vị trí thứ tư khi chỉ còn 7% người dùng thường xuyên.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Gojek Việt Nam cho biết sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này (nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng), đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành.
Gojek - hãng xe công nghệ thứ 3 rút khỏi thị trường Việt NamẢnH: LÊ TỈNH
"Miếng bánh" bị thu hẹp
Theo chuyên gia thị trường, ông Phạm Chinh, Gojek rút khỏi Việt Nam thật ra đã được dự đoán trước vào năm ngoái khi mà CEO mới của GoTo ở Indonesia nhậm chức và GoTo rất quyết liệt đưa ra 2 chiến lược quan trọng được xem là cam kết sống còn với cổ đông: Nhanh chóng đạt điểm hòa vốn, đặt mục tiêu có lợi nhuận vào năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa khả quan.
Bản thân GoTo tại Indonesia cũng đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, tinh giản mạnh mẽ các business unit. GoTo cam kết sẽ tập trung vào các thị trường lớn, những hoạt động mau chóng tạo lợi nhuận. Họ từng tạm dừng Gojek Thái Lan bằng cách bán đi vào năm 2021, thì diễn biến tại thị trường Việt Nam cũng dễ hiểu. Việt Nam thuộc nhóm thị trường nhỏ nhưng lỗ lớn trong khi triển vọng cạnh tranh khắc nghiệt, nếu duy trì sẽ ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận của công ty mẹ.
Cũng theo ông Chinh thị trường gọi xe và giao đồ ăn cạnh tranh quá khốc liệt, tất cả các công ty tham gia đến giờ vẫn trong giai đoạn đầu tư, chấp nhận lỗ để cạnh tranh thị phần và chưa biết đến lúc nào ngừng là áp lực cực lớn cho doanh nghiệp (DN) nào muốn tính đến con đường có lợi nhuận. Không chỉ cạnh tranh trong cùng ngành mà như mảng gọi xe, các ứng dụng gọi xe công nghệ cũng phải cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống và taxi mới (sự ra đời của Taxi điện Xanh là một ví dụ) làm cho thị trường càng gắt gao hơn nữa, trong khi đây là mảng kinh doanh trọng tâm, làm nền tảng cho các mảng khác. Điểm hòa vốn của các DN này còn xa mới đạt được.
Ông Chinh cũng chia sẻ về việc có quá nhiều DN tham gia vào thị trường hiện nay. Sự cạnh tranh không chỉ giữa các ứng dụng với nhau mà còn với các công ty vận tải truyền thống. Tất cả đều trong trạng thái cạnh tranh để sống còn. Ở cả lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn sự cạnh tranh không chỉ về chất lượng dịch vụ mà đặc biệt nóng về giá cả. Hiện nay giá đang thấp hơn giá thành khiến cho hầu hết DN, các công ty đều lỗ và phải chấp nhận lỗ nếu không muốn mất thị phần. Có thể nói chưa công ty nào dám khẳng định khi nào sẽ có lợi nhuận vì bản thân họ cũng chưa biết khi nào cuộc cạnh tranh giá này sẽ chấm dứt. Trong bối cảnh yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khó, DN dù lỗ nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư vào hạ tầng để nâng cấp dịch vụ.
ThS Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp, nhận xét thị trường này vô cùng khốc liệt. Cũng giống với thương mại điện tử, mọi người đều "lao" vô làm từ tập đoàn cho đến start-up. Trong khi nhu cầu về thị trường có hạn nên "miếng bánh" này bị thu hẹp, không còn hấp dẫn như trước. Do đó, Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam cũng là bình thường. Thị trường này chủ yếu cạnh tranh về giá, chưa kể các đối thủ lớn của họ có đa nền tảng, có nhiều sản phẩm đa dạng để khách hàng chọn. Gojek rút cũng không làm cho thị trường này thay đổi, các đối thủ chực chờ thay thế.
Còn 3 hãng xe
Trước Gojek, 2 thương hiệu lớn là hãng xe công nghệ Uber đã rút khỏi Việt Nam vào đầu năm 2018 và gần đây là thương hiệu dịch vụ giao thức ăn qua app Baemin của Hàn Quốc ngừng hoạt động hồi cuối năm 2023 sau gần 5 năm hoạt động. Trước khi tuyên bố đóng cửa, Baemin cũng từng là ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam, được nhiều người dùng yêu thích và duy trì được mức doanh thu tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, số liệu của Vietdata cho thấy năm 2020, doanh thu của Baemin chỉ ở mức gần 441 tỉ đồng nhưng đến năm 2022, tăng mạnh 83,9%, cán mốc hơn 810 tỉ đồng. Tuy nhiên, do liên tục mở rộng thị trường một cách không kiểm soát nên Baemin đã lỗ sau thuế hơn 4.000 tỉ đồng, từ 2020-2023.
Như vậy, sau khi Gojek rút lui, thị trường xe công nghệ ở Việt Nam còn 3 hãng gọi xe lớn là Grab, Be và Xanh SM.
Đổi hãng khi có khuyến mại tốt
Ông Phí Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn P.A.T Consulting Ltd, cho biết nguyên nhân chính của sự rút lui khỏi thị trường Việt Nam của Gojek và các hãng gọi xe, đặt đồ ăn trong thời gian qua đến từ sự trung thành đối với một thương hiệu của người tiêu dùng Việt không cao, qua việc họ sẵn sàng từ bỏ sang dịch vụ khác nếu có khuyến mại tốt hơn.
Ngoài ra, thương hiệu gọi xe mới như Xanh SM đã phần nào thay đổi thị trường này khi xây dựng chất lượng dịch vụ một cách khác biệt bằng cách sử dụng xe điện nhằm bảo vệ môi trường, tuyển dụng và đào tạo tài xế theo quy trình bài bản...