Tân binh phân khúc SUV 7 chỗ Chevrolet Trailblazer.
Phân khúc SUV 7 chỗ vốn đã chật chội với các "hảo thủ" như Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport và không thể không kể đến ông hoàng phân khúc Toyota Fortuner thì nay cái tên Chevrolet Trailblazer gia nhập liệu có thêm phần nóng bỏng?. Và liệu chiếc xe 7 chỗ đến từ thương hiệu Mỹ có làm nên một cuộc lật đổ hay chí ít thể hiện được mình trong "chảo lửa" SUV?
Cụ thể về doanh số gần nhất trong tháng 8/2018 khi mà các rào cản chính sách không còn tác động nhiều đến dòng xe nhập khẩu Trailblazer thì mẫu xe này cũng kịp đến tay 200 khách hàng. Trong khi đó Ford Everest - Dòng xe nhiều "option" bậc nhất phân khúc lại đi sau, về muộn khi mới chỉ kịp ra mắt phiên bản mới vào những ngày cuối cùng của tháng 8/2018. Ở một góc khác, Pajero Sport cũng không mấy ấn tượng với 46 chiếc bán ra trong tháng. Trong khi đó Toyota Fortuner vẫn thể hiện vai trò anh cả, đầu tàu của mình bằng việc bán ra tới 926 xe.
Chevrolet Trailblazer chốt giá bán chính thức cho khách Việt vào cuối tháng 4/2018 với mức giá khá ấn tượng chỉ từ 859 triệu đồng cho phiên bản một cầu số sàn. Với việc đưa ra mức giá khá mềm này Trailblazer tỏ rõ khả năng cạnh tranh về giá bậc nhất trong phân khúc khi mà những hảo thủ sớm góp mặt như Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport hay Ford Everest đang chễm chệ ở tầm giá trên 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên giá bán chưa hẳn là yếu tố tiên quyết để các thượng đế móc hầu bao xuống tiền rước những cỗ máy cả tỷ bạc về garage mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Từ tập quán sử dụng, thói quen tiêu dùng, bán hàng kiểu truyền miệng đến chính sách hậu mãi, phụ tùng, sửa chữa và bảo dưỡng... Có rất nhiều yếu tố cấu thành nên sự ấn tượng của một dòng xe trong mắt khách hàng - những người quyết định tạo nên sự thành bại của một mẫu xe và thậm chí là cả một thương hiệu. Mà chính sách hậu mãi, phụ tùng bấy lâu nay Chevrolet làm chưa được tốt và không được những người sử dụng xe đánh giá cao.
Chevrolet Trailblazer chưa thực sự ấn tượng trong vận hành.
Đơn cử như Toyota Fortuner sở hữu mức giá trên 1 tỷ đồng cho tất cả các phiên bản từ máy xăng đến dầu nhưng vẫn nhận được sự ưu ái của khách hàng Việt. Dẫu trong tháng Ngâu nhưng doanh số của Fortuner gấp 5 lần Trailblazer bán ra. Mặc dù mẫu xe 7 chỗ nhà Chevrolet được coi là "gia vị mới" đầy sức hút trong lần đầu trình làng khách Việt.
Ngược dòng lịch sử, một cái tên Chevrolet khác là Captiva đã rất thành công cách đây hơn một thập kỷ khi người người, nhà nhà đổ xô đi đặt mua, thêm tiền để được lấy xe nhưng cho đến bây giờ thì đã khác rất nhiều. Một cuộc cách mạng được "áp" cho Chevrolet Captiva Revv từ tháng 4/2016 khi được nhấn nhá nhiều chi tiết mới nhưng phom dáng vẫn bảo thủ, không thay đổi nhiều. Và cả năm 2017, theo số liệu VAMA thì cho dù có giảm giá bán so với đời cũ nhưng chỉ có vỏn vẹn 495 xe được đưa tới khách hàng trên cả 3 miền - một con số mà theo các chuyên gia thể hiện sự thất bại của mẫu xe này.
Chưa hết, thương hiệu Chevrolet vẫn chưa hết vận đen khi vận vào mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc là Trax. Trax sinh ra thuộc phân khúc SUV cỡ B cạnh tranh với EcoSport hay Suzuki Vitara. Những tháng cuối của năm 2016, Chevrolet Trax xuất hiện với mức giá khá cao 769 triệu đồng cho duy nhất một phiên bản. Sự "cô đơn" về sản phẩm khiến Trax trở nên yếu thế hơn các đối thủ chưa kể giá bán thuộc top đầu về mức kém cạnh tranh và điều gì đến đã đến. Hơn một năm sau, Trax là chính thức biến mất khỏi thị trường mà phía hãng chưa đưa ra thông tin chính thức về sự rút lui chóng vánh. Cận kề nhất là thời điểm tháng 8/2018, báo cáo bán hàng của VAMA cũng nêu rõ Chevrolet tạm ngừng cung cấp các dòng xe như Captiva và sedan cỡ C Cruze.
Quay trở lại cái tên Trailblazer với dáng hình không thực sự quá xuất sắc. Trong khi các đối thủ đang đi theo hướng thiết kế mềm mại thì nét vuông vức hay thậm chí là thô kệch vẫn xuất hiện trên Trailblazer. Trong khi khả năng vận hành được người dùng đánh giá không quá nổi trội và ấn tượng. Động cơ Turbo diesel Duramax tăng tốc vẫn có độ trễ nhất định trong khi khả năng cách âm, hạn chế tiếng ồn từ khoang máy vào bên trong xe vẫn khá lớn. Bên cạnh đó tay lái của Trailblazer chưa mang đến sự đầm, chắc khi di chuyển ở tốc độ cao. Chưa kể độ hoàn thiện của Trailblazer chưa thực sự cao như các đối thủ.
Túi khí có lẽ là nhược điểm lớn nhất trong tiêu chí an toàn của Chevrolet Trailblazer khi đem so sánh với các đối thủ. Ở phiên bản cao cấp nhất trên một tỷ đồng nhưng thương hiệu xe SUV Mỹ vẫn chỉ có 2 túi khí, kém xa phiên bản thấp nhất của Fortuner với 4 túi khí.
Mọi sự kết luận ở thời điểm này đều mang tính chất chủ quan khi mà thử nghiệm của thị trường chưa thực sự "ngấm" với dòng xe 7 chỗ của Chevrolet. Thời gian sẽ là câu trả lời xác đáng nhất khi mà doanh số, hiệu năng cũng như tính thanh khoản của cái tên Trailblazer được thực tiễn thể hiện.
Bom xịt hay ẩn số sẽ chờ đợi Chevrolet Trailblazer ở tương lai rất gần nhưng tin chắc rằng trong "tâm tưởng" của rất nhiều khách hàng Việt đã có câu trả lời cho mình.