Logo hãng xe hơi Volvo.
Volvo là một công ty Thụy Điển đa quốc gia với hoạt động tập trung ở các mảng sản xuất và bán xe tải, bus và xe xây dựng chuyên dụng. Còn Volvo Cars, thương hiệu chuyên sản xuất xe con của Thụy Điển, đã hoàn toàn tách khỏi Volvo từ năm 1999 khi nó bị công ty ô tô Ford thâu tóm và trở thành một phần của Premier Automotive Group. Năm 2010, Tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group mua lại Volvo Cars từ Ford.
Volvo là một từ trong tiếng Latin, có nghĩa là "I roll" (tạm dịch: tôi lăn), phần nào liên quan tới thương hiệu "mẹ" SKF - hãng sản xuất vòng bi Thụy Điển và là một trong những hãng sản xuất vòng bi lớn nhất thế giới từ năm 1907 cho tới nay.
Cuộc gặp của chủ tịch Geely- Ông Li Shufu với giám đốc tài chính Leclair của Ford diễn ra tại Triển lãm ô tô Detroit 2008 được coi là bước ngoặt lịch sử của thương hiệu Volvo Cars. Kể từ đó người ta sẽ không nhắc đến Ford khi nói về xe Volvo mà thay vào đó là những người Trung Quốc. Đây là vụ mua thương hiệu ô tô quốc tế lớn nhất mà một công ty Trung Quốc thực hiện trong lịch sử nước này tính đến năm 2010.
Thương vụ này được đặc biệt chú ý vì các công ty Trung Quốc có khá nhiều vụ mua thương hiệu không mấy lạc quan, đặc biệt là trong ngành ô tô. Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) đã mua đa số cổ phần hãng Ssangyong của Hàn Quốc với kết cục là Ssangyong rơi vào tình trạng bảo hộ phá sản. Giới chức Trung Quốc đã bác kế hoạch mua Hummer từ GM của một công ty máy công nghiệp nhỏ - Tengzhong. Các thương vụ vướng phải các vấn đề như quản lý, marketing, sử dụng công nghệ, dàn xếp với công đoàn và sự hoà hợp về văn hoá.
Mẫu xe Volvo XC90.
Thời điểm lịch sử - Cột mốc đáng nhớ đó là tháng 1/2010, gần 3 năm sau cuộc gặp đầu tiên với giám đốc tài chính Leclair của Ford, ông Li trở lại sàn triển lãm ô tô Detroit trong chiến thắng, sau khi đặt bút ký vào hợp đồng nguyên tắc mua Volvo với giá 1,8 tỷ USD - chỉ bằng 1/3 số tiền Ford đã bỏ ra để mua thương hiệu này cách đây một thập kỷ. Geely cam kết đầu tư vào Volvo 900 triệu USD.
Kể từ khi Geely mua Volvo Cars, hãng xe Thụy Điển đã chuyển đổi trung tâm sản xuất sang Trung Quốc, và từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác. Mẫu xe đầu tiên xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ là S60 phiên bản trục cơ sở kéo dài, tiếp đến là S90. Tương tự, Volvo sẽ sản xuất xe điện ở Trung Quốc trong tương lai gần.
Theo vị phó chủ tịch bộ phận thiết kế của Volvo Cars từng so sánh: "Sản xuất xe hơi ở châu Âu ứng dụng nhiều công nghệ và máy móc hơn, nhưng lại ít sự can thiệp của con người. Ở Trung Quốc ít tự động hóa, nhưng bù lại yếu tố con người nhiều hơn, giúp tỷ lệ lỗi thấp hơn trong quá trình sản xuất". Liệu có có là lời giải thích khi vẫn còn nhiều nghi ngại về chất lượng xe sản xuất ở Trung Quốc không tốt bằng xe sản xuất ở châu Âu và Mỹ đã tồn tại một thời gian dài.
Tập đoàn Geely - Chủ mới của mác xe Volvo.
Thực tế cho thấy, dưới sự điều hành của một hãng xe Trung Quốc, Volvo vẫn tiếp tục phát triển tuy nhiên tại châu Âu và Mỹ, Volvo không còn giữ được vị thế khi doanh số bán hàng sa sút và bị các đối thủ bỏ xa trên thương trường, mặc dù lãnh đạo hãng xe Trung Quốc luôn khẳng định Volvo tách biệt với thương hiệu Geely.
Còn nhớ, trong ngày ra mắt Volvo tại Việt Nam, một lãnh đạo nhà phân phối đã khẳng định, tất cả ô tô mới nhất của Volvo sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Thụy Điển và châu Âu, nhưng có một thực tế Trung Quốc mới là công xưởng sản xuất xe Volvo, quốc gia có lợi thế lớn về mặt địa lý cũng như thuế suất nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam hơn hẳn so với lục địa già.