1. Ngành công nghiệp sản xuất xe hơi đầu tiên
Pháp là quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất xe hơi sớm nhất. Ảnh: Autocar
Cho dù xe hơi được phát minh bởi Karl Benz, một công dân Đức. Nhưng Đức không phải quốc gia đầu tiên có ngành công nghiệp xe hơi, danh hiệu này cũng không thuộc về Mỹ hoặc Anh mà lại là nước Pháp.
Cho tới năm 1906, Pháp là quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới cho tới khi bị Mỹ vượt qua vào năm 1907.
2. Khởi đầu thất bại của Volvo
Chiếc xe đầu tiên của Volvo có 1 số tiến nhưng 4 số lùi. Ảnh: Autocar
Volvo đã chế tạo chiếc xe đầu tiên của hãng vào năm 1927. Với tên gọi chính thức là OV4, chiếc xe này đã được xuất xưởng ngày 14 tháng 4 nhưng ngay lập tức phải mang trở lại xưởng vì bị lắp ráp sai cách, dẫn đến có bốn số lùi nhưng chỉ có một số tiến.
3. Sự thống trị của Ford Model T
Ford Model T chiếm tới nửa số xe hơi trên thế giới vào thập kỷ 20. Ảnh: Autocar
Vào năm 2020, các khách hàng mua xe có thể đau đầu để lựa chọn chiếc xe thích hợp trong một rừng sản phẩm.
Nhưng vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước, việc mua xe đơn giản hơn rất nhiều bởi khi đó thị trường được thống trị bởi mẫu Ford Model T, chiếm tới một nửa số xe hơi lưu hành trên toàn thế giới.
4. Thủ phủ xe hơi thế giới
Khung cảnh ở Detriot vào những năm thập niên 20 thế kỷ trước. Ảnh: Autocar
Nhắc tới Ford Model T thì không thể không nhắc tới thủ phủ xe hơi của thế giới thời đó là bang Michigan. Vào thập niên 20, số xe hơi ở Michigan còn nhiều hơn tổng số xe hiện có ở Vương quốc Anh (35 triệu chiếc). Ở Mỹ, ngay cả một bang thưa thớt dân cư như Kansas cũng có số lượng xe nhiều hơn nước Pháp và nước Đức. Vào năm 1927, nước Mỹ sản xuất tới 85% lượng xe hơi trên thế giới.
5. Người đầu tiên lái xe dọc nước Anh
Henry Sturmey, người đầu tiên lái xe dọc nước Anh. Ảnh: Autocar
Autocar là tạp chí xe hơi lâu đời nhất thế giới, ra mắt vào tháng 11 năm 1895. Chỉ hai năm sau, biên tập viên đầu tiên của Autocar, ông Henry Sturmey là người đầu tiên lái xe xuyên nước Anh trong một hành trình 1400 km, kéo dài 10 ngày.
Henry Sturmey đã sử dụng chiếc Daimler 4 công suất nửa mã lực, và điều khiển xe chạy với vận tốc trung bình 16 km/h.
6. Chiếc xe chìm cùng tàu Titanic
Renault Type CB Coupé de Ville là một đạo cụ quan trọng trong phim Titanic. Ảnh: Autocar
Khi tàu Titanic bị đắm vào năm 1912, một chiếc Renault Type CB Coupé de Ville mới coóng cũng đã bị chìm theo chiếc tàu này. Chiếc xe là tài sản của William Carter, người đang đi du lịch châu Âu cùng vợ và hai con nhỏ. Hãng xe Renault đã gửi chiếc xe này lên tàu Titanic cùng với nhà Willam trên chuyến tàu trở lại Mỹ.
Trong tai nạn, chiếc xe đã bị chìm cùng tàu Titanic xuống đáy đại dương nhưng cả gia đình Willam đã may mắn sống sót.
Tại bộ phim Titanic công chiếu vào năm 1997, Renault Type CB Coupé de Ville lại một lần nữa xuất hiện trên màn ảnh với vai trò là một đạo cụ phim quan trọng.
7. Những chiếc xe phá kỷ lục tốc độ thời kỳ đầu
Những chiếc xe điện mới là những kẻ giữ kỷ lục tốc độ trong thời kỳ đầu. Ảnh: Autocar
Kỷ lục tốc độ đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12 năm 1898 bởi một chiếc ô tô điện có tên là Jeantaud Duc, với vận tốc 63 km/h. Năm lần phá kỷ lục tiếp theo đều thuộc về những chiếc xe điện, nâng vận tốc kỷ lục lên tới mức 106 km/h. Tiếp theo đó, danh hiệu này được chuyển sang một chiếc xe động cơ hơi nước với vận tốc 120 km/h.
Sang lần phá kỷ lục thứ 8, một chiếc xe động cơ đốt trong đã giành được vị trí quán quân với vận tốc 122 km/h, đánh dấu sự thống trị của động cơ đốt trong từ đó tới nay.
8. Chiếc xe Chinh phục của Daimler
Quảng cáo của mẫu Conquest trên tạp chí xe. Ảnh: Autocar
Khi ra mắt chiếc sedan mới vào năm 1953, hãng Daimler đã đặt tên cho chiếc xe này là Conquest (Chinh phục). Bởi lẽ, chiếc xe này có giá trước thuế là 1066 bảng Anh, và năm 1066 cũng là thời điểm diễn ra cuộc chinh phục của người Norman lên nước Anh. Đã có 4568 chiếc Conquest được bán trước khi mẫu xe này dừng sản xuất vào năm 1958.
9. Ô tô của Samsung
Samsung từng có thời gian ngắn sản xuất ô tô. Ảnh: Autocar
Ngoài sản xuất điện thoại và hàng điện tử, Samsung cũng từng có thời gian ngắn sản xuất ô tô. Đáng tiếc trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998, bộ phận này đã bị Samsung bán lại cho Renault.
10. Giai thoại về robot lắp ráp của Ford
Robot lắp ráp của hãng Ford. Ảnh: Autocar
Có một giai thoại rằng, vào thập niên 50, tại nhà máy sản xuất của Ford ở bang Ohio, một giám đốc điều hành của hãng xe đã tự hào giới thiệu những robot lắp ráp với chủ tịch công đoàn của hiệp hội ô tô Mỹ, ông Walter Reuther.
Vị giám đốc này đã châm chọc Walter Reuther rằng: "Với những chiếc robot lắp ráp này làm sao ông có thể thu phí công đoàn của chúng tôi", Walter Reuther phản pháo ngay lập tức: "Nhưng những robot lắp ráp cũng không thể mua ủng hộ xe hơi do các ông chế tạo được".
(còn tiếp)
Ngân Vũ - (vietnamnet.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)