Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được UBND TP HCM phê duyệt, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM (thuộc Sở Giao thông vận tải - GTVT) đang cụ thể hóa theo danh mục các dự án đầu tư công được HĐND TP thông qua. Từ ngày 14-2 đến 13-5, Sở GTVT thí điểm "phạt nguội" xe khách vi phạm giao thông tại 11 tuyến đường của quận 5 và Bình Thạnh.
Người dân "mát lòng"
Qua 3 tháng triển khai, ghi nhận tại các tuyến đường có gắn camera thí điểm "phạt nguội" như đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh (quận 5), tình trạng xe khách, xe giường nằm dừng đón trả khách dọc đường đã giảm.
Quanh Công viên Hòa Bình (đoạn giao đường Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh nơi tập trung nhiều văn phòng giao dịch của các nhà xe liên tỉnh), số tài xế lợi dụng văn phòng để đậu xe cũng ít hẳn. Tương tự, đường An Dương Vương, Trần Phú, nơi thí điểm gắn camera, cũng thông thoáng hơn do xe khách không ngang nhiên đậu đỗ như trước.
Tại quận Bình Thạnh, ghi nhận ở một số đoạn trên tuyến Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh có gắn camera ghi hình "phạt nguội" đã vắng hơn những xe khách dừng, đỗ vô tổ chức.
Không chỉ camera "phạt nguội" khiến người dân "mát lòng" vì phát huy hiệu quả mà nhờ triển khai hệ thống này, các tuyến đường huyết mạch, tuyến vành đai, Quốc lộ đã giảm sự nhức nhối. Như tuyến Quốc lộ 1 (TP HCM), tình trạng xe tải lấn làn xe máy giảm hẳn. Người đi xe máy cũng không dám chen vào làn ôtô để "so kè".
Camera lắp trên đường Hùng Vương (TP HCM) phát huy hiệu quả, đường thông thoáng hơn. Ảnh: ANH VŨ
Khi được hỏi về hiệu quả của các camera "phạt nguội", đa số người dân đều phấn khởi vì tình hình trật tự an toàn giao thông đã chuyển biến. Ông Trần Tuấn Anh (ngụ phường 9, quận 5) cho biết từ ngày có camera "phạt nguội" trên các tuyến đường này, tài xế xe khách không còn dừng, đỗ trả khách bừa bãi, xe chạy cũng vừa phải chứ không lấn làn, bóp còi inh ỏi. "Tuy nhiên, cánh tài xế lại chuyển sang các khu vực lân cận không có camera như đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy Dương, Ngô Gia Tự... để tránh bị phạt. Tôi đề xuất thành phố triển khai lắp camera đồng bộ hơn để nâng cao hiệu quả" - ông Tuấn Anh nói.
Ông Đàm Phan Phát, Phó chánh Thanh tra giao thông - Sở GTVT TP HCM, cho biết qua 3 tháng triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với xe khách vi phạm giao thông qua camera, tình hình trật tự an toàn giao thông cải thiện rõ, việc xử lý chính xác và triệt để hơn.
Cụ thể, với việc gắn camera tại 11 vị trí ở quận 5, quận Bình Thạnh, lực lượng thanh tra giao thông đã lập hồ sơ vi phạm đối với 551 trường hợp, lập 181 biên bản vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 198,5 triệu đồng. Ngoài ra, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 25 trường hợp, gửi thông báo ngăn chặn đến các trung tâm đăng kiểm 339 trường hợp quá thời gian hẹn xử lý.
Theo ông Đàm Phan Phát, việc thí điểm xử "phạt nguội" bước đầu mang lại hiệu quả cao, tình hình trật tự giao thông có chuyển biến. Thanh tra Sở GTVT đã khảo sát và sẽ đề xuất Sở GTVT lắp đặt thêm một số camera trên 5 tuyến đường thường xuyên có tình trạng dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định tại quận 5 và thời gian tới sẽ đề xuất mở rộng thêm trên các tuyến đường trọng yếu.
Xử lý được đa số lỗi
Việc triển khai thí điểm camera "phạt nguội" nằm trong đề án ứng dụng công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đang được Sở GTVT triển khai.
Đề án sẽ ứng dụng 3 giải pháp công nghệ gồm: Công nghệ xử lý hình ảnh qua camera, công nghệ nhận diện biển số xe tự động và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử phạt giao thông. Ba giải pháp này ngoài chức năng ghi hình, nhận diện biển số xe còn giúp nhận diện và phân loại tất cả phương tiện, thậm chí phương tiện ưu tiên, tính toán tốc độ, lưu lượng xe, người đi bộ không tuân thủ tín hiệu giao thông, phân tích hành vi đi sai hướng, dừng xe sai quy định…
Phạm vi ứng dụng công nghệ trên tại 180 điểm với 30 tuyến đường như: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trương Định, Lý Tự Trọng, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1); Phạm Ngọc Thạch (quận 1, 3); Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Hồng Hà, Trường Sơn, Bạch Đằng (quận Tân Bình); Kinh Dương Vương, Nguyễn Thị Tú, Lê Trọng Tấn, Quốc lộ 1 (quận Bình Tân); Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ (Bình Thạnh); Quốc lộ 22 (đi qua quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn); Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức); Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (TP Thủ Đức)…
Nói về sự nổi bật của công nghệ, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị TP HCM - đơn vị trực tiếp triển khai đề án, cho biết một trong những ứng dụng mới nhất là bảng điện tử thông báo xe vi phạm tốc độ vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2022 trên các tuyến đường trọng yếu như khu vực hầm Thủ Thiêm (vượt sông Sài Gòn), Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh… "Sau thời gian triển khai đã phát huy hiệu quả, giảm số lượng xe vi phạm tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, từ đó giảm nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông"- ông Tấn nhấn mạnh.
Cần tầm nhìn vĩ mô
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, giao thông vận tải là điều cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Tính, khi thực hiện cần có tầm nhìn chiến lược vĩ mô, tránh tình trạng chỏi nhau giữa khu vực này với khu vực kia, giữa địa phương này với địa phương kia, gây lãng phí, tốn kém ngân sách.
Ngoài ra, sử dụng công nghệ tiến bộ nhất là điều nên ưu tiên. "Như hệ thống vé tích hợp cho tuyến metro số 1 và các tuyến xe buýt được xây dựng từ nhiều năm trước đến nay đã lỗi thời dù chưa đưa vào vận hành tuyến metro số 1 bởi công nghệ phát triển liên tục, cần phải thay đổi để phù hợp thực tế" - Chủ tịch Hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM lấy ví dụ.