Thi bằng lái ô tô sẽ bớt khó?

Thứ hai, 08 Tháng 1 2024 12:05 (GMT+7)
Phần mềm mô phỏng điều chỉnh chỉ giải quyết được phần nào bất hợp lý; học và sát hạch lấy bằng lái ô tô đã và đang là một hành trình đầy gian nan, tốn kém
 
Khoảng 1 năm rưỡi kể từ ngày có nhu cầu và tìm kiếm trung tâm dạy lái ô tô, chị Minh Tâm (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn chưa có giấy phép lái xe hạng B1.
 
Mòn mỏi học, thi
Trường hợp như chị Tâm không phải cá biệt tại TP HCM trong thời gian qua. Nhu cầu học lái ô tô tăng cao nhưng số lượng trung tâm không đáp ứng kịp do hàng loạt trung tâm đào tạo lái xe bị thanh tra, kiểm tra, buộc nhiều học viên phải đăng ký học ở thành phố nhưng thi ở các tỉnh lân cận.
 
Là người có nhu cầu học thi lấy bằng lái ô tô hạng B1, phóng viên của Báo Người Lao Động đã trực tiếp trải nghiệm quá trình học, thi lấy bằng lái ô tô trong nhiều tháng qua tại một trung tâm ở quận 10, TP HCM. Sau giai đoạn học lý thuyết và thực hành ở TP HCM, học viên sẽ phải vượt 180 km xuống tỉnh Hậu Giang nếu muốn thi nhanh, do các trung tâm sát hạch ở TP HCM bị quá tải.
 
Phần thi sa hình tại một trung tâm sát hạch lái xe ở Hậu Giang Ảnh: LAM GIANG
Phần thi sa hình tại một trung tâm sát hạch lái xe ở Hậu Giang Ảnh: LAM GIANG
 
Chỉ tính riêng một trung tâm đào tạo lái xe ở quận 10, trung bình 1 tuần sẽ có ít nhất 1 đợt chở học viên từ TP HCM xuống Hậu Giang thi với khoảng 45 người. Tuần nào đông sẽ có 2 - 3 đợt. Mỗi lần đi thi sẽ mất 2 ngày, học viên phải tự túc ăn ở. Đáng nói, có khoảng 50% số học viên thi rớt - từ lý thuyết, mô phỏng đến sa hình hoặc đường trường. Nếu rớt bất cứ nội dung nào thì học viên cũng sẽ không được thi lại ngay mà phải trở về TP HCM và chờ đợi lịch thi lại sau ít nhất 2 - 3 tuần.
 
Theo tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên, trong 4 nội dung thi sát hạch để lấy bằng lái xe thì thi mô phỏng là dễ rớt nhất. Có tổng cộng 120 tình huống giao thông được nhận định là có thể gặp nguy hiểm, yêu cầu học viên phải nhấn space (phím cách) chính xác tại thời điểm đề thi cho là nguy hiểm.
 
Thang điểm từ 1 - 5 tính bằng khoảng vài giây, nếu nhấn sai thời điểm, học viên sẽ bị 0 điểm. Tổng điểm thi đậu hạng B1 là 35/50 điểm.
 
Nhiều học viên cho biết cả một quá trình đăng ký, học thực hành hơn 710 km rồi thi lý thuyết và thực hành có thể trở thành công cốc vì phần thi mô phỏng. Vì tình huống đề thi cho là nguy hiểm nhưng thí sinh nhanh mắt cho là chưa nguy hiểm, chưa nhấn space… sẽ rớt.
 
"Phần thi này mang tính hên xui. Nhiều người bị rớt oan" - chị Hạnh (ngụ tỉnh Bình Dương) nhận xét. Bởi theo chị Hạnh, nếu ai không "nhanh tay, lẹ mắt", không học thuộc lòng 120 tình huống thì rất khó đậu.
 
Điều chỉnh phần mềm mô phỏng: Hợp lý nhưng chưa đủ
 
Từ phản ánh của dư luận cũng như các sở giao thông vận tải (GTVT) về những bất hợp lý của phần mềm mô phỏng, Cục Đường bộ Việt Nam đã điều chỉnh phần mềm mô phỏng tình huống giao thông trong phần thi lý thuyết sát hạch, cấp giấy phép lái xe và chuyển giao cho các sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe. 
 
Dự kiến, phần mềm sẽ được các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật để học viên ôn luyện, dự kiến chính thức sử dụng từ ngày 1-2. Theo đó, các nội dung đã điều chỉnh gồm: Đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp. Thay đổi tính năng phần mềm ôn tập và sát hạch. Trong đó, phần mềm ôn tập thêm 3 tính năng: Bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau; hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; thay đổi giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
 
Phần mềm sát hạch được thay đổi như sau: Tăng thời gian đếm ngược (nghỉ) giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây; điều chỉnh không cho click đúp vào phần video; khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình, không hiển thị thanh taskbar của Windows (hạn chế mất focus); kéo dài mốc chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm).
 
Một cán bộ của Sở GTVT TP HCM cho rằng đợt điều chỉnh lần này của Cục Đường bộ trong phần mềm mô phỏng sẽ giúp đa số học viên theo dõi và có thời gian quan sát, xử lý tình huống tốt hơn hoặc không xử lý được tình huống này có thể chuyển sang tình huống khác. "Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo vì vẫn bảo đảm học viên nhận diện và xử lý 120 tình huống đưa ra đầy đủ, khách quan" - vị cán bộ Sở GTVT nhận xét.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), kiến nghị nên thay đổi thêm cách tính điểm cho học viên ở phần thi mô phỏng.
 
Theo ông Nghĩa, hiện quy định thang điểm đang rất cứng nhắc theo trình tự: 5 - 4 - 3 - 2 - 1. Học viên chỉ cần bấm sớm hơn 1 giây cũng sẽ bị điểm 0. Trong thực tế, nếu mình xử lý sớm các tình huống thì độ an toàn sẽ cao hơn khi xử lý muộn. Do đó, tôi cho rằng nên thiết kế thang điểm 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 4 - 3 - 2 - 1 tương đương cho quá trình xử lý tình huống: Sớm, đúng và muộn. "Nghĩa là nếu xử lý tình huống sớm hơn cũng cần được chấm điểm dù điểm không đạt tối đa" - ông Nghĩa giải thích. 
 

Không đủ cơ sở

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, phần thi mô phỏng không thể có cơ sở để xác định ngay lập tức trình độ lái xe. Nếu cơ quan quản lý không chỉnh sửa được phần mềm mô phỏng theo sát thực tế lái xe thì chỉ nên đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên, chứ không nên đưa vào phần sát hạch.

Ng.Thế

 

 
 

Bài viết mới nhất của Xe