Cần sớm có hộ chiếu điện tử

Chủ nhật, 03 Tháng 11 2019 20:20 (GMT+7)
Không chỉ có lợi cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, hộ chiếu điện tử còn giúp bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại và cư trú của công dân

Trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đang được trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, có điểm mới là quy định về hộ chiếu sinh trắc học, hay còn gọi hộ chiếu điện tử (e-passport). Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan hữu trách Việt Nam tiến hành phát hành hộ chiếu có gắn chip chứa dữ liệu ID được mã hóa gắn bên trong bìa.

Việc phát hành hộ chiếu điện tử không chỉ phù hợp với xu thế cũng như yêu cầu của thế giới mà ở một khía cạnh nào đó còn giúp tăng giá trị cho hộ chiếu Việt Nam. Bởi hộ chiếu điện tử bên cạnh tính tương thích, đáp ứng yêu cầu quy định nhập cảnh của phần lớn thế giới hiện nay, còn khó làm giả hơn. Một trong những yêu cầu do Mỹ đưa ra để công dân các nước được miễn visa vào Mỹ (theo chương trình Visa Waiver Program, hiện gồm 37 nước và vùng lãnh thổ Đài Loan - Trung Quốc) là phải có hộ chiếu điện tử. Ngày càng có thêm nhiều nước áp dụng quy trình xuất nhập cảnh tự động (chỉ cần đưa hộ chiếu qua máy mà không phải trực tiếp làm việc với nhân viên xuất nhập cảnh) thì hộ chiếu điện tử là một lợi thế.

Hộ chiếu điện tử không chỉ có lợi cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mà còn giúp bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân Việt Nam (đã được quy định tại điều 23 Hiến pháp 2013).

Cần sớm có hộ chiếu điện tử - Ảnh 1.

Hộ chiếu điện tử giúp quản lý và xác thực dữ liệu chính xác hơn, khó bị làm giả Ảnh: TƯ LIỆU

Thực tế là tới nay Việt Nam đã nằm trong số những nước chậm phát hành hộ chiếu điện tử. Theo dữ liệu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện có hơn 100 quốc gia đang phát hành hộ chiếu điện tử. Vào năm 2017, trong khối ASEAN gồm 10 nước chỉ còn Việt Nam và Myanmar dùng hộ chiếu truyền thống. Campuchia bắt đầu phát hành hộ chiếu điện tử hồi tháng 7-2014, Lào từ giữa năm 2016.

Sau khi được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Như vậy, sớm nhất phải vào cuối năm 2020 hay qua năm 2021, công dân Việt Nam mới có thể có hộ chiếu điện tử.

Quá trình đổi từ hộ chiếu truyền thống qua hộ chiếu điện tử cũng mất nhiều thời gian. Thái Lan sau khi áp dụng hộ chiếu điện tử vào năm 2005 mới đây đưa ra lộ trình 7 năm để đổi 15 triệu hộ chiếu điện tử mới ứng dụng công nghệ sinh trắc học có độ bảo mật cao hơn.

Nhà chức trách Việt Nam, cụ thể ở đây là ngành công an, có thể nhanh chóng triển khai việc phát hành hộ chiếu điện tử ngay sau khi luật có hiệu lực. Bởi vào tháng 4-2019, Bộ Công an thông tin cho báo chí biết "đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử" đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bộ này cũng cho biết vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hộ chiếu điện tử nên bộ đang xây dựng dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh để tạo cơ sở pháp lý trong việc cấp, quản lý và sử dụng loại "giấy thông hành" này.

Cho tới nay, do nghe có chữ "điện tử" và "chip" nên vẫn có không ít người lo ngại là hộ chiếu điện tử có thể bị bọn tội phạm công nghệ cao tấn công. Trong khi thực tế, chính việc dùng chip dữ liệu được mã hóa theo chuẩn quốc tế này giúp tăng độ an toàn của hộ chiếu lên nhiều lần. Nhìn vào việc các nhà phát hành thẻ ngân hàng trên toàn thế giới bấy lâu nay đang khẩn trương chuyển từ thẻ từ (giống như hộ chiếu truyền thống với những hàng ký hiệu mã hóa) sang thẻ có gắn chip điện tử (giống như hộ chiếu điện tử), sẽ thấy rõ việc làm hộ chiếu điện tử chắc chắn có độ bảo mật, an toàn cao hơn... 

Việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động cũng sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm được thời gian xếp hàng, tránh tình trạng ùn ứ tại các cửa kiểm soát, các cổng đi lại như hiện nay.

PHẠM HỒNG PHƯỚC - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Công Nghệ