Cần đẩy mạnh kết nối ngoại viện
Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic (Hòa Hảo) TP HCM kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn tin học y tế MEDICONS, kết nối thông tin y tế bao gồm kết nối nội viện và kết nối ngoại viện, trong đó kết nối nội viện đã được các nơi triển khai tốt, kết nối ngoại viện cần hoàn thiện trong thời gian tới. Mối liên kết quan trọng giữa kết nối nội viện và kết nối ngoại viện chính là bệnh án điện tử hoàn chỉnh, chuẩn hóa giữa các đơn vị y tế, làm sao cho bác sĩ ở bất kỳ nơi đâu đều có thể xem được lịch sử bệnh bằng một mã bệnh nhân.
Kết nối ngoại viện giúp bệnh nhân dễ dàng kết nối với các bệnh viện (BV) trong tra cứu bệnh án, đơn thuốc, lịch tái khám và khám bệnh từ xa. Điều cần lưu tâm nhất của kết nối ngoại viện là các đơn vị y tế phải sử dụng phần mềm đồng nhất trong quản lý nội viện để có thể chia sẻ, kết nối với nhau.
Ông Hứa Phú Doãn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn kỹ thuật thiết bị y tế TP HCM, đề xuất cần có sự hợp tác giữa các cơ sở y tế trong việc sử dụng kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... của bệnh nhân, tức chấp nhận kết quả (dữ liệu bệnh án) của nhau chứ đừng để bệnh nhân sáng đi BV này đã xét nghiệm, chiều đi nơi khác phải xét nghiệm lại đúng thứ đó, tốn kém thời gian và chi phí. Trong khi đó, có những dạng xét nghiệm có giá trị suốt vài tháng. "Cơ quan quản lý phải đề ra tiêu chí cụ thể về việc hợp tác, kết nối này trong việc đánh giá quá trình chuyển đổi số của một BV" - ông nhấn mạnh.
Một giải pháp quản lý bệnh viện số được giới thiệu tại buổi tọa đàm
Bệnh viện "không giấy" và ứng dụng AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị bệnh đã được nhiều nơi áp dụng nhưng theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Lạc Việt, AI còn có thể ứng dụng hữu hiệu trong hệ thống đăng ký khám chữa bệnh, thông qua việc tạo ra một "chatbot" - robot ảo đóng vai trò người quản lý đăng ký khám chữa bệnh, một công nghệ đang được đơn vị này phát triển.
"Chatbot" cần bảo đảm kiến thức tương đương như một y tá. Khi đăng ký, bệnh nhân sẽ chat với vị y tá "ảo" này, chatbot sẽ có nhiệm vụ giúp bệnh nhân hiểu các thông tin tổng quan về bệnh, nên khám ở khoa nào, chọn bác sĩ ra sao, hiện có những khung giờ nào có thể đi khám... Chatbot cũng là thư ký cung cấp lại các thông tin về bệnh nhân cho bác sĩ, chuẩn bị sẵn bệnh án khi người đó đến khám.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Ngành nghề y tư nhân TP HCM, đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ trong hệ thống y tế hiện nay vẫn còn thấp. Ngoài hệ thống BV công lập, cần có chính sách để khối y tế tư nhân cũng đẩy mạnh việc này. Để thực sự chuyển đổi số hiệu quả, cần hướng tới BV "không giấy", không chỉ khâu quản lý bên trong BV mà còn trong công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động BV của các cơ quan chức năng cấp cao hơn.
Theo các chuyên gia, các dự án, chính sách phù hợp của Bộ Y tế đã có, tuy nhiên để tất cả thành hiện thực, các đơn vị y tế cũng cần dựa trên nhu cầu của bệnh nhân và thực tế tại BV mình để tự đề xuất các giải pháp.
Lấy bệnh nhân làm trung tâm
Theo ông Hứa Phú Doãn, việc chuyển đổi số trong ngành y tế cần hướng đến kết nối nhiều đối tượng với nhau, từ nhà quản lý đến người bệnh, tuy nền tảng là công nghệ nhưng cần dựa trên các kiến thức về chuyên môn y khoa. Trong đó cần lưu ý nhất là đối tượng bệnh nhân: họ chính là người đánh giá việc chuyển đổi số thành công hay không, dựa trên sự tiện lợi họ nhận được từ việc chuyển đổi.
Bài và ảnh: Anh Thư - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)