Công dân số - nền tảng để chuyển đổi số

Chủ nhật, 21 Tháng 2 2021 16:18 (GMT+7)
Người dân với tư cách các công dân số phải tích cực hợp tác bằng cách chủ động sử dụng các dịch vụ số
Một trong 3 khâu đột phá chiến lược được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Người thực hiện cũng như vận hành một quốc gia số chính là các công dân số. Vì vậy, trước hết và điều kiện nền tảng cho CĐS thành công là hình thành cộng đồng công dân số.
 
Số hóa thủ tục hành chính, giấy tờ
 
Theo định nghĩa của Karen Mossberger, một trong nhóm tác giả của cuốn sách "Quyền công dân số: internet, xã hội và sự tham gia", công dân số là người dùng công nghệ thông tin để tham gia vào các hoạt động của xã hội, chính trị và chính quyền. Công dân số là những người sử dụng internet thường xuyên và hiệu quả.
 
Nguyên nhân nền tảng của việc Việt Nam có nhiều người dùng internet hàng đầu thế giới chính là độ phủ sóng internet cũng thuộc hàng đầu thế giới, kết hợp với khả năng người dân dễ dàng tiếp cận với internet rất cao. Việt Nam là 1 trong 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Theo thống kê của We Are Social/Hootsuite vào tháng 1, trong tổng số dân hơn 97 triệu người của Việt Nam, có tới 68,72 triệu người sử dụng internet, chiếm 70,3% tổng số dân.
 
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm 2020 khi cả thế giới khốn đốn vì đại dịch Covid-19, Việt Nam cho thấy rõ quyết tâm tiến hành công cuộc CĐS một cách toàn diện trên quy mô quốc gia. Ngay từ bộ máy quản lý đất nước cao nhất cũng đã thể hiện rõ ý chí và quyết tâm tiến hành CĐS. Chưa bao giờ như hiện nay, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi thúc đẩy công cuộc CĐS, có thể biến đại dịch Covid-19 với những đặc thù khác thường của nó thành một cơ hội để đẩy nhanh tiến trình số hóa toàn diện quốc gia. Xã hội thật sự có nhu cầu phải CĐS nhanh và hiệu quả. Trong thời gian đại dịch bùng phát, cả xã hội đã cùng học hành, làm việc online, hầu như mọi hoạt động xã hội truyền thống giờ đây diễn ra trên không gian mạng, hàng loạt dịch vụ công, dịch vụ tư đã được chuyển lên mạng. Tất cả giúp người dân làm quen và thấy rõ hơn giá trị và lợi ích của CĐS.
 
Để phát triển giáo dục số, ngành giáo dục đã xây dựng được cơ sở dữ liệu, số hóa thông tin của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu học sinh và 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tết Tân Sửu 2021 đến giữa tình hình bùng phát dịch trong nước căng thẳng, cũng là cái Tết được số hóa toàn diện nhất từ trước đến nay. Các nền tảng dịch vụ số như Google, TikTok… đều xây dựng hàng loạt chương trình giúp người dân có thể vui Tết trên internet. Các sàn thương mại điện tử kết hợp với các dịch vụ giao chuyển hàng hóa đã đẩy mạnh hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Các ngân hàng và các trung gian thanh toán như ví điện tử đã tăng cường dịch vụ thanh toán điện tử, thậm chí lì xì số.
Công dân số - nền tảng để chuyển đổi số - Ảnh 1.
TP Hà Nội cấp thẻ CCCD có chip cho người dân Ảnh: Nguyễn Hưởng
 
Năm 2020, Việt Nam đã đạt được những đột phá trong việc đưa dịch vụ hành chính công lên internet, thực hiện việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử. Đến trung tuần tháng 8-2020, Cổng Dịch vụ Công quốc gia đã tích hợp, cung cấp được hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến. Và sau 1 năm vận hành, tính đến tháng 12-2020, cổng đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đồng thời giúp xã hội tiết kiệm được tổng chi phí trên 6.700 tỉ đồng/năm. Các quy định pháp lý về số hóa các thủ tục, giấy tờ đã được Việt Nam hoàn thiện dần là những nền tảng cho các công dân số.
 
Từ tháng 2 năm nay, Việt Nam bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử giúp chống giả mạo tốt hơn, tạo cơ sở cho người dân tham gia tiện lợi hơn vào các lĩnh vực số. Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, kể từ ngày 1-7-2020, Việt Nam bắt đầu phát hành hộ chiếu điện tử có gắn chip lưu giữ thông tin nhưng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên cơ quan chức năng vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch. Theo Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1-7-2021, Việt Nam sẽ bỏ phương thức quản lý cư trú truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để chuyển sang quản lý bằng số hóa. Để tránh xáo trộn, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. Ngay từ năm 2009, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã công nhận bệnh án điện tử và vào tháng 12-2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử.
 
Dùng thành thạo mạng xã hội là lợi thế
 
Rõ ràng, sau một năm 2020 phải sống trong môi trường được số hóa gần như toàn diện với những mức độ khác nhau, người dân đã quen nhiều hơn bao giờ hết với một xã hội số.
 
Ở đây, việc xây dựng cộng đồng công dân số phải bao gồm cả 2 vế. Một là, các nhà cung cấp các loại hình số hóa phải bảo đảm vừa đem lại lợi ích cho mình, đồng thời phải định hướng phục vụ người dân. Hai là, người dân với tư cách các công dân số phải tích cực hợp tác bằng cách chủ động sử dụng các dịch vụ số. Thực tế công dân số ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là tự phát và là những người sử dụng các mạng xã hội. Việc chuyển họ vào một môi trường xã hội số, kinh tế số mà khởi đầu từ chính quyền số không hề dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, cản trở chủ yếu chính là thói quen và việc người dân dùng mạng xã hội thành thạo chính là lợi thế để trở thành những công dân số thực thụ.
 
Vì thế, điều quan trọng nhất là cơ quan hữu trách - ở đây là bộ máy quản lý nhà nước - phải chuẩn bị sẵn giải pháp để duy trì được hoạt động số đã hình thành và hoạt động trong mùa dịch Covid-19. Nếu không, nhiều khả năng người ta sẽ quay lại "truyền thống" như cũ và lại là một cơ hội nữa bị bỏ lỡ. 
Gấp rút cập nhật dữ liệu quốc gia về dân cư
 
Ngày 20-2, đại diện Bộ Công an cho biết đối với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương lập ban chỉ đạo dự án và triển khai quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND cấp quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thu thập, cập nhật dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, công an nhiều tỉnh, TP đã cơ bản hoàn thành việc thu thập phiếu thông tin dân cư phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà dữ liệu sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.
 
Ng.Hưởng
 
Phạm Hồng Phước - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Công Nghệ