Khả năng xử lý thông minh
Nếu như trước đây với IoT, các thiết bị trong các hệ sinh thái đó chỉ đơn giản là kết nối internet và kết nối với nhau thì nay được tích hợp thêm AI để thiết bị tăng khả năng xử lý thông minh hơn. Các thiết bị thông minh với tính năng điện toán nhận thức sẽ học hỏi thông qua sự tương tác và phản ứng của con người để ngày càng hợp gu và hiểu người dùng hơn.
Một chiếc đồng hồ để bàn hay loa để bàn thông minh AIoT có tính năng trợ lý ảo được kết nối với các thiết bị trong ngôi nhà thông minh để điều khiển chúng theo lệnh của người dùng. Những thiết bị AIoT đó sẽ ghi nhớ và học thói quen, sở thích của người dùng để phục vụ tốt hơn, chẳng hạn khi ngủ, thiết bị sẽ điều chỉnh ánh sáng đèn, âm nhạc… theo sở thích người dùng.
Một nhà máy thông minh sản xuất ôtô sử dụng người máy ứng dụng AIoT Nguồn: INTERNET
Theo kết quả từ cuộc khảo sát thường niên 2021 CEO Study do Viện Giá trị doanh nghiệp (IBV, IBM Business Value) của Tập đoàn IBM (Mỹ) thực hiện, các giám đốc điều hành (CEO) được khảo sát cho biết Cloud (đám mây), AI và IoT là những công nghệ hàng đầu sẽ mang lại lợi ích cho người dùng, doanh nghiệp. 74% CEO Việt Nam tham gia khảo sát nhận thấy tầm quan trọng của IoT đối với lợi ích kinh doanh của họ.
Tương ứng, 70% cho biết Cloud và 42% cho biết AI được khai thác để mang lại hiệu quả kinh doanh trong 2-3 năm tới. Hiện ngày càng có thêm nhiều hãng sản xuất thiết bị IoT nâng cấp lên thành AIoT. Khái niệm thiết bị thông minh (smart) không còn chỉ là về tính tự động và có kết nối internet mà là có khả năng xử lý thông minh nhờ tích hợp AI. Trong tiến trình phát triển công nghệ, IoT và AI đã kết hợp thành AIoT để chuyển đổi dữ liệu IoT thành thông tin hữu ích để cải thiện quá trình ra quyết định.
Tập đoàn công nghệ Xiaomi bên cạnh sản xuất smartphone còn là nhà sản xuất thiết bị IoT hàng đầu trên thế giới. Vào tháng 1-2019, Xiaomi công bố chiến lược cốt lõi kép "Smartphone + AIoT" trong 5 năm với vốn đầu tư vào AIoT lên đến 10 tỉ nhân dân tệ.
Và tới tháng 8-2020, CEO Lei Jun của Xiaomi thông báo hãng nâng cấp chiến lược cốt lõi của hãng từ "Smartphone + AIoT" thành "Smartphone x AIoT", cho thấy sự kết nối toàn diện hơn và trao quyền lẫn nhau giữa AIoT và smartphone.
Tính đến hết năm 2020, tổng số thiết bị IoT được kết nối với nền tảng AIoT của Xiaomi đã lên tới 324,8 triệu thiết bị. Có tới 6,2 triệu người dùng có từ 5 thiết bị AIoT Xiaomi trở lên.
Câu chuyện của Xiaomi cho thấy đó là "cuộc chơi AIoT" mà các hãng công nghệ không có sự lựa chọn nào khác hơn là tham gia và cạnh tranh.
Tăng năng suất sản xuất
Đài Loan (Trung Quốc), một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của thế giới, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng những nhà máy thông minh dựa trên các thiết bị IoT. Giờ đây, nền kinh tế này đã ứng dụng AIoT để tăng cường hiệu suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
KPMG, hãng kiểm toán toàn cầu của Hà Lan thuộc nhóm Big Four về kiểm toán thế giới, đã vận dụng công nghệ AIoT để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến tỉ lệ sử dụng thiết bị, tăng năng suất, xây dựng bảo trì dự đoán và chuyển sang đám mây với mục đích nâng cao lợi tức đầu tư (ROI). KPMG cho biết họ đã dùng AIoT để cải thiện hiệu suất tổng thể thiết bị (OEE) từ 70% lên 83% và dùng AIoT để tăng năng suất sản xuất.
Trong công cuộc chuyển đổi số, người ta phải quan tâm đầu tư vào lĩnh vực AIoT để bảo đảm các hệ thống số hóa đều hỗ trợ mượt mà các thiết bị AIoT. Chẳng hạn, hệ thống khám sức khỏe từ xa sẽ tốt hơn nếu tận dụng được thế mạnh của các thiết bị đeo chăm sóc sức khỏe thông minh chứ không chỉ thu thập dữ liệu đo đạc từ các thiết bị IoT báo về. AIoT cũng hỗ trợ hiệu quả cho các dịch vụ hành chính công.
Theo Tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dẫn lời nhà phân tích công nghệ Jared Newman, hệ sinh thái AIoT trong vài năm tới sẽ phát triển mạnh, tập trung vào 4 nhóm chính.
Đó là các thiết bị đeo (wearables): đồng hồ thông minh, kính AR/VR, tai nghe không dây…; theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner, thị trường các thiết bị đeo toàn cầu có thể đạt doanh số hơn 87 tỉ USD vào năm 2023. Ngôi nhà thông minh (smart home) với các thiết bị gia dụng thông minh…; theo dự báo, thị trường nhà thông minh toàn cầu có thể đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) 25% trong giai đoạn 2020-2025 để đạt doanh số tới 246 tỉ USD.
Thành phố thông minh (smart city): lưới điện thông minh, hệ thống đèn đường, hệ thống vận tải công cộng thông minh…; các ứng dụng thực tế của AI trong điều khiển giao thông công cộng đã trở nên rõ nét.
Chẳng hạn, tại TP New Delhi (Ấn Độ), một trong những nơi đường sá bị tắc nghẽn giao thông kinh khủng nhất thế giới, hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITMS) với AI đã có thể đưa ra những quyết định tức thì theo thời gian thực để điều phối các luồng giao thông.
Công nghiệp thông minh (smart industry): người máy sản xuất tự động, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng tự động, các cảm biến bảo trì thiết bị có tính năng dự đoán trước…; theo ước tính của hãng Gartner, hơn 80% dự án IoT doanh nghiệp sẽ được tích hợp AI vào năm 2022.
Hệ sinh thái AIoT sẽ phát huy tối đa hiệu năng khi được dựa trên nền tảng 5G và Big Data, với tốc độ nhanh, độ trễ tín hiệu thấp gần như bằng 0 và băng thông cực rộng có thể cho vô số thiết bị kết nối cùng lúc.
PHẠM HỒNG PHƯỚC - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)