Nguồn cung đa dạng
Thị trường robot tại Việt Nam hiện có gần chục nhà cung cấp, đa phần là các thương hiệu nước ngoài. Trong đó, robot xuất xứ Trung Quốc có giá chỉ bằng khoảng một nửa so với sản phẩm cùng loại có nguồn gốc Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, cũng bởi giá rẻ nên robot Trung Quốc thiếu độ ổn định, khả năng thực thi các nhiệm vụ không cao và độ bền kém. Thông thường, chỉ sau vài năm sử dụng, các loại robot Trung Quốc sẽ bị hư hỏng ở phần cơ khí hoặc lỗi phần mềm. Ngoài ra, do hầu hết các nhà cung cấp robot Trung Quốc mới phát triển sản phẩm nên không có hệ sinh thái kỹ thuật đi kèm như: hệ thống thị giác máy tính, tay gắp có cảm biến lực, thiết bị tích hợp với các máy hàn tự động, điện tử, cảm biến.
Trong nước, nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu tham gia sản xuất, lắp ráp robot với chi phí phù hợp, đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường. Các DN nội chủ yếu đi vào sản xuất robot hợp tác (hoạt động cùng con người - PV) với thiết kế đơn giản, dễ dàng lập trình. Loại robot này vừa có giá thành phù hợp với DN vừa và nhỏ vừa có tính linh hoạt, khả năng ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như điện tử, dịch vụ, du lịch, chế biến thực phẩm… Bên cạnh đó, không ít DN trong nước tham gia việc cung cấp các giải pháp tự động hóa sử dụng robot. Một số DN đặt mục tiêu tự sản xuất tay máy công nghiệp, robot cộng tác, robot di động, robot dùng trong y sinh.
"DN sản xuất robot của Việt Nam đang có thế mạnh là nguồn nhân lực tại chỗ giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp và khả năng nội địa hóa các thiết bị phụ trợ trong lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử. Ngoài ra, sản xuất robot trong nước cũng có lợi thế bởi tiết kiệm được chi phí thiết kế tích hợp và lập trình, chiếm khoảng 40% giá thành sản phẩm robot" - một chuyên gia trong lĩnh vực tự động chỉ ra.
PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết nhiều năm qua, khoa đã nhận chế tạo nhiều loại robot, dây chuyền tự động hóa cho các DN trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, chế biến gỗ; trường học, bệnh viện… với giá chỉ bằng 50% sản phẩm nhập từ châu Âu. Trong đó có những loại robot có thiết kế, cấu tạo đơn giản với giá chỉ vài chục triệu đồng, loại thiết kế phức tạp hơn có giá khoảng vài trăm triệu đồng.
Đội ngũ lắp ráp Robot3T tại một nhà máy cơ khí. Ảnh: THÚY MẪN
Giải phóng sức lao động
Nhà máy thông minh đóng vai trò quan trọng trong tương lai của các ngành sản xuất. Do đó, nhu cầu với các giải pháp công nghệ nhằm góp phần tối ưu hóa đầu ra, tiết kiệm chi phí lao động và chi phí vận hành… đang gia tăng mạnh mẽ.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Reed Tradex Vietnam, đánh giá nhà máy thông minh được số hóa và trang bị thiết bị tiên tiến sẽ nâng cao năng lực sản xuất và giảm chi phí trong nhiều hoạt động khác nhau. Các công nghệ nổi trội phải kể đến là: Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), phân tích trong mô hình nhà máy thông minh nhằm chủ động vận hành và sửa chữa. Ngoài ra, một số phần mềm hoạch định, quản lý thậm chí còn có thể phát hiện các lỗi có nguy cơ xảy ra và cảnh báo người vận hành để loại bỏ tổn thất.
Nhà sáng lập Robot3T, ông Trương Trọng Toại, cho biết đã sản xuất và cung cấp robot công nghiệp cho các nhà máy điện tử, cơ khí, may mặc từ năm 2019. Sản phẩm robot của ông không chỉ được sử dụng tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà còn được DN nhỏ trong nước ứng dụng rất hiệu quả. Chỉ với khoảng 300 triệu đồng, DN có thể trang bị 1 robot và thu hồi được vốn sau khoảng 12-18 tháng. "Robot3T giải quyết được nhu cầu đầu tư robot với chi phí thấp của DN nhỏ, giúp năng suất tăng từ 3-5 lần so với lao động chân tay" - ông Toại nói.
Theo ông Huỳnh Phong Phú, ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ tại Việt Nam đang phát triển khi hội tụ cùng lúc nhiều điều kiện. Sự xuất hiện của các nhà sản xuất quy mô lớn trên thế giới như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon, Brother đã biến Việt Nam thành trọng tâm trong hệ thống cung ứng sản xuất trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng đã phát triển đến quy mô lớn và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn sản xuất của thế giới. Trong khi đó, yêu cầu về sản phẩm và năng suất của DN thuộc mọi ngành sản xuất cũng tăng lên. Những điều kiện trên đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống DN cung ứng, phụ trợ về cả lượng và chất trong thời gian gần đây.
Chuẩn bị nhân lực cho tương lai
PGS-TS Nguyễn Quốc Chí, Trưởng Bộ môn Cơ Điện tử Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho biết trường đã đưa vào giảng dạy chuyên ngành robot từ năm học 2020 để đáp ứng nhu cầu về nhân lực chuyên sâu cho các lĩnh vực ứng dụng, nghiên cứu robot trong công nghiệp và dân dụng.
Tại Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ cho biết trường đã đào tạo ngành robot trí tuệ nhân tạo 2 năm qua, mỗi năm có khoảng 20 sinh viên. Sinh viên vào khoa này phải có điểm thi cao nhất và được đào tạo miễn phí hoàn toàn.
Nguyễn Hải - (nld.com.vn)