Thương mại trên nền tảng đối thoại
Một trong những việc đầu tiên mà DN phải làm là duy trì mối liên hệ, sự kết nối với khách hàng khi không thể gặp mặt.
Không giống nhiều DN kinh doanh mặt hàng không thiết yếu bị "dập" tơi tả trong đại dịch, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã thành công khi kéo khách lên mạng mua vàng thông qua giải pháp livestream (phát trực tiếp) và sử dụng trợ lý chatbot Charmy trên nền tảng Messenger. Giải pháp này giúp DN tham gia các cuộc trò chuyện có tính cá nhân hóa với khách hàng, phản hồi thắc mắc cũng như giới thiệu sản phẩm tương tự tư vấn trực tiếp tại cửa hàng.
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc bán hàng đa kênh của PNJ, cho biết trợ lý kỹ thuật số trên nền tảng Messenger đã đem đến cho DN kết quả khả quan. Chỉ trong một tháng, từ tháng 9 đến tháng 10-2020, PNJ ghi nhận khoảng 17.000 cuộc hội thoại được thiết lập, thu về lợi nhuận gấp 138 lần so với số tiền chi cho quảng cáo, tỉ lệ giao dịch thành công trên kênh online lên tới 10%. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu bán lẻ của DN này tăng 10,2% so với năm 2019 dù thị trường nhìn chung khá ảm đạm.
Tương tự, Pepsi cũng phối hợp với Facebook triển khai giải pháp bán hàng qua đối thoại nhằm tăng doanh số thông qua trợ lý ảo có tên Hana.ai. Theo đó, người dùng được "lôi kéo" tham gia cuộc trò chuyện Messenger với trợ lý ảo để chọn mua đồ uống. Pepsi và Facebook còn xây dựng hệ thống tự động chuyển đơn hàng đặt qua Messenger đến bộ phận quản lý danh sách cung ứng và hậu cần. Từ đó, tạo nên một quy trình xử lý đơn hàng liền mạch. Pepsi ghi nhận với chiến dịch kéo dài 4 tuần trong tháng 11 và 12-20220 tại Việt Nam, doanh số online của hãng này đạt tăng trưởng tốt, lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo tăng 1,6 lần so với trước đó.
Theo một khảo sát của Deloitte (DN về kiểm toán và dịch vụ), 77% DN vừa và nhỏ được hỏi cho biết họ đã bắt đầu sử dụng hoặc tăng mức độ sử dụng công cụ số hóa trong bối cảnh dịch bệnh. Trong năm 2020, tổng lượng đối thoại mỗi ngày giữa DN và người dùng trên 2 nền tảng Messenger và Instagram đã tăng hơn 40%.
Cũng trong một nghiên cứu gần đây, Facebook chỉ ra 24% DN vừa và nhỏ đang duy trì vận hành trên mạng xã hội lo ngại về khả năng thiếu hụt khách hàng trong đại dịch. Bởi vậy, nhiều DN tăng cường hiện diện trực tuyến bằng việc thúc đẩy trao đổi thông tin với khách hàng qua ứng dụng nhắn tin. Đồng thời, tái tạo trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng trên không gian số thông qua việc cho phép khách hàng đặt câu hỏi và tiếp nhận giải đáp mọi lúc, mọi nơi.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất may mặc tại Công ty CP Phong Phú. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quản trị dòng tiền bằng công nghệ số
"Kinh doanh không gián đoạn" cũng là nội dung hội thảo trực tuyến do Tập đoàn FPT tổ chức cách đây ít ngày nhằm chia sẻ giải pháp giúp DN kinh doanh không điểm chạm, vận hành tối ưu, nâng cao hiệu suất.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) - cho biết BMP đã tích hợp, khai thác giải pháp IoT (internet vạn vật) và Data Warehousing (thu thập và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau) từ cách đây 5 năm. Toàn bộ hoạt động liên quan đến khách hàng, như đặt hàng qua mạng, quản lý thông tin khách hàng, hóa đơn điện tử... đều được thực hiện qua phần mềm CRM.
Trong khâu sản xuất, BMP đã tự động hóa nhiều dây chuyền và đang trong quá trình triển khai tự động hóa toàn bộ nhà máy. "Từ những giải pháp đó, BMP bảo đảm được hoạt động sản xuất - kinh doanh ít gián đoạn. Năm 2020, DN ghi nhận doanh thu tăng 8%, lợi nhuận tăng khoảng 24% và thị phần tăng thêm 2% so với năm trước" - ông Ngân thông tin.
Tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), nhiều giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho... trên nền tảng công nghệ và chuyển đổi số cũng được triển khai. Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc tài chính Vinamilk, cho hay với hệ thống ERP (giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng), DN có thể xử lý hàng loạt công việc.
Trên hệ thống này, căn cứ vào nhu cầu phát sinh, tồn kho tối thiểu - tối đa, DN sẽ đưa ra quyết định sản xuất và giá thành phù hợp. Việc tiếp nhận đơn hàng, chuyển thông tin đến các kho và phân phối cũng được thực hiện trên nền tảng này với khả năng đánh giá kết quả, tốc độ so với yêu cầu của khách.
Trong khi đó, Tập đoàn FPT - DN có lợi thế lớn về công nghệ - đã áp dụng giải pháp "hồ dữ liệu" (Data Lake) với mục đích thu thập, phân tích toàn bộ dữ liệu tài chính của toàn tập đoàn gồm 9 đơn vị thành viên và 5 công ty liên kết, có mặt trên 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Hệ thống "hồ dữ liệu" giúp DN có dữ liệu tài chính toàn cảnh theo thời gian. Mỗi buổi sáng, tôi chỉ mất 10-15 phút mở hệ thống thông tin ra và nắm được toàn bộ dòng tiền của cả tập đoàn đến từ đâu, nghẽn chỗ nào để đưa ra quyết định kịp thời. Tôi nhấn mạnh yếu tố "kịp thời" bởi nếu số liệu đến chậm, điều hành có thể sai lệch và gây ra một số hậu quả" - ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, nói.
Ở khâu bán hàng, nhờ sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu khách hàng Customer Insights Platform, Tập đoàn FPT đã giữ chân được 38.000 khách hàng, mang lại doanh thu 98,8 tỉ đồng, giảm 35.000 cuộc gọi tổng đài mỗi tháng. Còn nền tảng Core AI Engine giúp DN nắm được vị trí của 6.500 kỹ thuật viên để tối ưu chặng đường, công việc, vật tư, linh kiện. Nhờ đó, sau 12 tháng, DN tiết kiệm được 65 tỉ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động.
Con người là yếu tố quan trọng
Bà Lâm Thị Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Twitter Beans Coffee, cho rằng chuyển đổi số không phải là một hành trình quá khó. DN cần làm rõ mục tiêu của mình, bài toán quản trị muốn giải là gì? Quan trọng nhất là người lãnh đạo hiểu được giá trị, vai trò của chuyển đổi số để có quyết tâm triển khai.
Ông Lê Thành Liêm đánh giá việc bảo đảm sức khỏe của người lao động có ý nghĩa quan trọng trong duy trì kinh doanh không gián đoạn. Do đó, cần đào tạo, huấn luyện nhân viên tiếp cận những công cụ mới, nhất là công cụ kiểm soát về mặt sức khỏe.
Thùy Dương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)