Tổ chức 6 lớp tập huấn
Ông Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Viettel Solutions, cho hay sau giai đoạn thử nghiệm nêu trên, đơn vị này ghi nhận hệ thống thực hiện tốt việc quản lý lịch khai báo tại nhà của người cách ly và nhắc nhở người cách ly song song với cảnh báo cho cán bộ y tế khi người cách ly không khai báo y tế. "Ý tưởng thí điểm giám sát cách ly tại nhà ở TP HCM được đưa ra vào ngày 30-6. Ngay sau đó, chúng tôi gấp rút hoàn thành việc phát triển ứng dụng VHD trên nền tảng khai báo y tế dành cho người nhập cảnh đã được sử dụng từ tháng 3-2020. Tiếp đó, tổ chức 6 lớp tập huấn cho toàn bộ quận, huyện, TP thuộc TP HCM để kịp triển khai thí điểm từ ngày 17-7. Sau giai đoạn thí điểm này, có thể xem xét triển khai ứng dụng trên toàn quốc khi Bộ Y tế chính thức quyết định cho F0, F1 được cách ly tại nhà kèm những điều kiện theo quy định" - ông Lưu Thế Anh thông tin.
Sau khi thí điểm tại TP HCM, ứng dụng VHD có thể được xem xét triển khai ở phạm vi rộng hơn. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Để kích hoạt sử dụng ứng dụng, người cách ly tại nhà được yêu cầu sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), tải ứng dụng từ cửa hàng CH Play hoặc App Store và phải tuân thủ quy định khai báo theo định vị, nhận diện khuôn mặt. Trong quá trình người dân cách ly tại nhà, cán bộ y tế, công an xã, phường sẽ có lịch theo dõi để quản lý sát sao. Với người chỉ sử dụng điện thoại cơ bản với chức năng nghe, gọi, có thể đăng ký cách ly tại nhà qua số điện thoại. Hằng ngày, cán bộ y tế và công an phường sẽ đến kiểm tra người cách ly về việc tuân thủ cách ly tại nhà, cập nhật tình trạng sức khỏe của người cách ly.
"Trên thế giới hiện có Singapore cũng triển khai các giải pháp giám sát cách ly tại nhà tương tự như trên. Ở Việt Nam, việc có áp dụng rộng rãi hay không cần sự cân nhắc kỹ càng từ phía Bộ Y tế" - ông Thế Anh nói.
Vì sao không đồng bộ nhiều ứng dụng?
Một vấn đề khiến người dân còn bối rối là hiện có khá nhiều ứng dụng được khuyến nghị sử dụng để phòng chống dịch Covid-19. Ví dụ, chỉ riêng phục vụ khai báo y tế đã có 3 ứng dụng gồm Ncovi, Bluezone và VHD. Những ứng dụng này đều nằm trong bộ giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19 được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu. Trong đó, Ncovi là hệ thống quản lý khai báo y tế tự nguyện để người dân khai báo thông tin y tế hằng ngày về khả năng tiếp xúc với người bệnh Covid-19, một số dấu hiệu có khả năng liên quan đến bệnh Covid-19 và thông tin bệnh nền. VHD có thêm tính năng khai báo y tế với khách nhập cảnh đến hoặc đi qua các quốc gia đang có dịch. Còn Bluezone là ứng dụng truy vết cùng tính năng khai báo y tế. Các ứng dụng đều có tính năng quét mã QR để ghi nhận việc đến các địa điểm công cộng, được liên thông với nhau và do Bộ Y tế quản lý.
Ngoài ra, còn có Sổ sức khỏe điện tử với chức năng thay thế sổ y bạ thông thường và được bổ sung một số tính năng để trở thành công cụ chính hiện nay giúp người dùng đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, ứng dụng xem kết quả xét nghiệm…
Mong muốn của người dân là có thể tích hợp nhiều ứng dụng làm một để thuận tiện hơn trong việc cài đặt, sử dụng và quản lý trên nền tảng smartphone. Tuy nhiên, việc này không đơn giản và có khả năng sẽ không khả thi. Đại diện một doanh nghiệp phát triển phần mềm phục vụ phòng chống Covid-19 cho hay mỗi ứng dụng có một ý nghĩa và chức năng khác nhau. Việc tích hợp dữ liệu tuy không khó nhưng nếu dùng chung một ứng dụng, sẽ không thuận tiện cho cơ quan có thẩm quyền kiểm soát thông tin theo từng nhóm đối tượng, nguy cơ và mục đích khác nhau. Vì vậy, nhiều khả năng các đơn vị phát triển ứng dụng cùng cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cho ra đời "super app" (một ứng dụng nhiều tính năng - PV) mà cần ít nhất 2-3 ứng dụng phục vụ cho công tác phòng chống dịch hiện tại và duy trì hỗ trợ hoạt động chung của ngành y tế sau này.
Liên quan đến việc quản lý thông tin người cách ly và công tác truy vết ca bệnh, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội cho hay mới đây, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã được thành lập trên nền tảng công nghệ. Tất cả dữ liệu thu thập được thông qua các ứng dụng khai báo sẽ được đẩy về trung tâm này. Do đó, nếu sử dụng hiệu quả các ứng dụng với nhiều tính năng khác nhau, có thể giám sát hiệu quả người cách ly, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết trong trường hợp cần thiết.
Một số ứng dụng khó dùng
Bà Trương Hoàng Yến (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết khi truy cập vào ứng dụng VssID thì thấy có nhiều thông tin khó hiểu dẫn đến nhập dữ liệu sai, phải gọi đường dây nóng để được hướng dẫn. Ứng dụng này cũng thiếu thông tin về quá trình khám, chữa bệnh; hiện mới chỉ cung cấp thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, thời gian đóng phí…
Bà Ngô Ngọc Cúc (ngụ quận 10, TP HCM) cho hay đã cài đặt Bluezone từ năm ngoái và liên tục được báo có nhiều ca mắc Covid-19 ở phạm vi gần, kể cả trong thời điểm tình hình dịch bệnh đã lắng xuống. Bà nghi ngờ ứng dụng cập nhật thông tin chậm, có phần chưa chính xác. Cũng cài ứng dụng Bluezone, ông Hoàng Hữu Danh (ngụ quận 5, TP HCM) lại chưa bao giờ được báo có ca nhiễm xung quanh, ngay cả khi ông đến những khu cách ly, bệnh viện dã chiến trong lúc làm nhiệm vụ. Ngoài ra, khi cài ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, ông Danh không đăng nhập và truy cập được.
Nhiều người dùng khác cũng phản ánh một số trục trặc khi khai báo trên phiếu khảo sát sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 và các ứng dụng khai báo điện tử… Người dùng đề nghị các đơn vị phát triển ứng dụng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước khắc phục các lỗi kỹ thuật, đơn giản hóa các bước đăng nhập và khai báo để dễ dàng sử dụng, góp phần hiệu quả vào công tác phòng chống dịch.
N.Hải
Phương Nhung - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)