Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện được dấu hiệu hoạt động của những ngọn núi lửa trên một hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, ngoài trái đất. Kỳ diệu hơn, đó là hành tinh ngay sát cạnh chúng ta, được cho là đã "chết" từ lâu.
Idunn Mons, một ngọn núi lửa bị nghi ngờ là đang hoạt động trên Sao Kim - Ảnh: NASA/ESA
Trong nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà khoa học Justin Fliiberto từ Viện Nghiên cứu Mặt trăng và hành tinh, thuộc Hiệp hội Nghiên cứu vũ trụ ở Houston (Mỹ) cho biết kết quả phân tích dữ liệu từ nhiệm vụ Venus Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã hé lộ nhiều hiện tượng lạ ở hành tinh này.
Đầu tiên, đó là ánh sáng cận hồng ngoại bổng có sự phát xạ cao bất thường ở một số địa điểm trên Sao Kim. Đó có thể là dấu hiệu của những dòng dung nham mới đang âm thầm chảy trên bề mặt hành tinh.
Ngoài ra, họ còn tìm thấy dấu vết của lưu huỳnh trong bầu khí quyển Sao Kim, thứ thường được giải phóng nhờ hoạt động núi lửa. Các thí nghiệm đối chiếu với Trái Đất còn cho thấy dấu hiệu của tinh thể olivine, một khoáng chất màu xanh lá cây xuất hiện trong đá núi lửa.
Từ những bằng chứng đó, các nhà khoa học tin rằng hành tinh này có thể có những núi lửa đang bắt đầu phun trào trở lại trong vài năm gần đây. Trước đó, trong Hệ Mặt Trời, chỉ có 1 hành tinh và 1 Mặt Trăng là có hoạt động núi lửa, đó là Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc.
Núi lửa lại là một phần của hoạt động kiến tạo mảng. Một hành tinh đang còn hoạt động kiến tạo mạng như hành tinh chúng ta cũng đồng nghĩa nó đang "sống". Chính hoạt động kiến tạo mảng phức tạp của Trái Đất sơ khai đã góp phần tạo nên môi trường phù hợp cho sự sống mà chúng ta có ngày nay.
Trước đây, nghiên cứu của Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA cho thấy Sao Kim rất có thể từng có hoạt động kiến tạo mảng sôi động như trái đất, các mảng kiến tạo cũng ép vào nhau, nhô lên thành núi đồi, chỗ lõm lại thành sông suối, có những đại dương ngập đầy nước. Nhưng qua thời gian, nó bị lực hấp dẫn từ Mặt Trời tác động quá mạnh, tạo thủy triều dữ dội, khiến hành tinh dần nóng lên như địa ngục, đại dương bốc hơi hết, hoạt động kiến tạo mảng dừng lại, kết quả là một Sao Kim "chết" như ngày nay.
Link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)