Du lịch trong tình hình mới

Thứ sáu, 09 Tháng 7 2021 07:43 (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch cùng các ngành liên quan trên lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Du khách tham quan danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: PHƯƠNG ANH
 
Giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam chứng kiến những bước đi thần tốc của du lịch nước nhà với các mốc tăng trưởng kỷ lục về cả lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ du lịch. Nhưng sau đó, trước những ảnh hưởng liên tiếp từ dịch Covid-19, cũng như cục diện chung của du lịch thế giới, ngành công nghiệp không khói nước nhà không thoát khỏi tình thế lao đao. 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa; tổng thu từ khách du lịch giảm tới hơn 60%... Thực trạng trên đặt ra bài toán muốn phát triển một cách bền vững, ngành du lịch phải xác định được những bước đi cụ thể, bài bản để một mặt khắc phục khó khăn, một mặt tạo động lực mạnh mẽ để du lịch hồi phục và bứt phá. Ðó là lý do tại Hội nghị lấy ý kiến để hoàn thiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định vấn đề cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận du lịch để cơ cấu lại thị trường du lịch và phải nhìn nhận lại về tầm quan trọng của thị trường khách nội địa.
 
Làm thế nào tận dụng, khai thác được thị trường gần 100 triệu người dân trong nước là điều mà chương trình hành động cần hướng tới để du lịch đi vững bằng cả hai chân quốc tế và nội địa, bảo đảm tính cân bằng, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên và lộ trình. Bài toán lượng và chất cũng cần tính toán lại. Thay vì tăng trưởng số lượng khách, ngành du lịch càng cần tập trung gia tăng mức chi tiêu của khách khi đến Việt Nam cũng như mức đóng góp của du lịch cho nền kinh tế nước nhà.
 
Trên cơ sở tiếp cận này, Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra bảy nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch. Các nhiệm vụ này được cụ thể hóa bởi 17 đề án, nhiệm vụ trọng tâm.
 
Theo các chuyên gia, chương trình hành động đã đưa ra được những giải pháp mang tính căn cơ để vừa giúp du lịch vượt khó, vừa tạo đà phát triển lâu dài trong tương lai. Trong đó, có những nội dung được đánh giá là bám sát tình hình thực tiễn, giải quyết nhiều tồn đọng trước mắt, như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch khắc phục khó khăn bởi dịch Covid-19 gắn liền các biện pháp hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ việc làm, đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm tiền ký quỹ kinh doanh…; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng các công nghệ hiện đại để tạo hệ sinh thái du lịch thông minh.
 
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nêu lên những đề xuất để chuẩn bị cho du lịch sau dịch, trong đó cần tập trung nghiên cứu để thu hút những thị trường mục tiêu trọng điểm; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá ở những thị trường này ngay từ khi dịch chưa kết thúc. Trước mắt, để chuẩn bị cho việc áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" đón khách quốc tế, cần ưu tiên để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng kích cầu du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, kích cầu du lịch phải được hiểu theo nghĩa mới với mục tiêu là tăng trưởng khách bền vững và giải pháp là phải vừa giảm giá, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, bổ sung dịch vụ mới.
 
Các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố nêu một số đề xuất như: cần hướng dẫn cụ thể về thành lập Quỹ phát triển du lịch ở các địa phương; sớm chỉnh sửa, bổ sung các quy định mới và có hướng dẫn chi tiết về các quy định pháp luật liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh trong du lịch; cân đối các gói ngân sách đủ lớn để hỗ trợ các tỉnh đầu tư kết nối hạ tầng giao thông ở vùng kinh tế trọng điểm…
 
TRANG ANH - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch