Với tư cách Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Chu Hồi đề nghị tỉnh Khánh Hoà cần khẩn trương có thông tin chính thức về thực trạng rạn san hô ở Hòn Mun để cho công luận rõ, trên cơ sở đó có những giải pháp – trong đó giải pháp dừng hoạt động du lịch tại khu vực biển Hòn Mun không phải là ngoại lệ, thậm chí còn phải ưu tiên.
Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, loạt bài "BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG: S.O.S" của Báo Người Lao Động vừa đăng đã cho dư luận và các chuyên gia thấy những hình ảnh san hô ở quanh đảo Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) bị tàn phá nghiêm trọng. Ông có cảm xúc, suy nghĩ gì và có bất ngờ và thấy xót xa?
ĐBQH Nguyễn Chu Hồi: Thực ra nói đến việc suy thoái các rạn san hô ở Việt Nam thì đã có nhiều nghiên cứu.
Trong một công bố chính thức năm 2008 đã cho thấy vùng biển Việt Nam có tiềm năng cao về sự phân bố của hệ sinh thái rạn san hô. Rạn san hô ở Việt Nam phân bố từ Bắc tới Nam và ở từng vùng sinh thái thì mức độ phát triển, quy mô phân bố có khác nhau, nhưng rạn san hô và đa dạng sinh học tập trung cao và điển hình là ở khu vực biển ven bờ từ Khánh Hoà đến Ninh Thuận kéo ra đến vùng biển Trường Sa và kéo sát Tam giác san hô quốc tế mà trung tâm là vùng biển Philippines và Indonesia.
PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn xem đây là phần phụ của Tam giác san hô quốc tế nói trên trong Biển Đông với trung tâm là vùng biển huyện đảo Trường Sa và đỉnh phụ tam giác về phía Việt Nam như tôi nói là vùng biển ven bờ Khánh Hoà - Ninh Thuận. Vịnh Nha Trang vốn là một trong những vực biển có độ phủ và mật độ san hô rất cao. Ngay từ những năm 1990 – 1994, khi đánh giá cho thấy san hô khu vực vịnh Nha Trang, đặc biệt là khu vực biển quanh đảo Hòn Mun là nơi rất đặc biệt về san hô như độ phủ cao, mật độ tốt, đặc biệt là tính đa dạng sinh học sống kèm rạn san hô cũng rất cao.
Ngoài giá trị nguồn lợi thì nơi đây còn có giá trị cảnh quan rất đặc biệt, cả cảnh quan nổi và ngầm dưới đáy biển do rạn san hô tạo ra. Chính vì thế khu vực biển Hòn Mun đã từng được chọn làm nơi thi chụp ảnh quốc tế dưới nước vào khoảng những năm 1995. Nói như thế để thấy vịnh Nha Trang nói chung và khu vực biển Hòn Mun nói riêng có tầm quan trọng đặc biệt. Nói không ngoa, vùng vịnh này không chỉ chứa đựng những giá trị tầm quốc gia của Việt Nam mà còn mang tầm vóc toàn cầu với những yếu tố ngoại hạng về góc độ san hô và đa dạng sinh học biển.
Chính vì thế khi nghe tin san hô ở Hòn Mun sơ xác, gãy đổ, giống như một bức tranh ảm đạm, tôi rất buồn vì tôi cũng là một trong những người làm về bảo tồn biển và là một trong những người ba lần làm quy hoạch các khu bảo tồn biển của Việt Nam, trong đó có vùng biển khu vực Hòn Mun từ những năm 1998-1999 (ĐBQH Nguyễn Chu Hồi từng là Phó viện trưởng Viện Hải dương học, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Thủy sản), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) – PV).
Tuy nhiên, suy thoái các rạn san hô ở Việt Nam đã được công bố từ sớm, và vào năm 2008 cho thấy chỉ có khoảng dưới 20% có độ phủ tốt, hơn 60% là độ phủ kém. Cách đây gần chục năm ở Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hoá) san hô cũng đã suy thoái nghiêm trọng. Hay gần đây là do tác động của sự cố môi trường biển "Formosa" (Hà Tĩnh) thì những dải san hô ngầm phân bố ở độ sâu 10-20m ở vùng biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế cũng bị suy thoái gần 50%.
Tôi biết năm 2017 ở Khánh Hoà có một cơn bão lớn đã làm dập vỡ rất nhiều cấu phần san hô khu vực biển Hòn Mun, vừa rồi lại trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, du lịch lặn biển ở Hòn Mun gần như không hoạt động. Đây chính là cơ hội cho san hô khu vực này tự phục hồi, nhưng với tốc độ chậm, thậm chí có một số đánh giá san hô nơi đây dường như chưa có dấu hiệu cải thiện. Đây chính là điều tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Tóm lại, suy thoái rạn san hô Hòn Mun ở vịnh Nha Trang không phải xảy ra gần đây, mà là gần đây công luận mới vào cuộc.
Theo ông vì sao xảy ra thực trạng này?
Về nguyên nhân suy thoái rạn san hô có rất nhiều, cả nguyên nhân tự nhiên và do con người (nhân tai). Về tự nhiên, đó là sự suy thoái chung của các rạn san hô trên vùng biển cả nước đã được nhận diện từ những năm 1987 trở lại đây và bây giờ bắt đầu hiện hữu do gia tăng nhiệt độ và axit hóa của nước biển. Cùng với đó là sự cạnh tranh sinh học, ví dụ ở vịnh Nha Trang có nhiều địch hại, đặc biệt sao biển gai vương miện đã xuất hiện từ rất lâu, nó hút các dịch dinh dưỡng trong cơ thể của san hô sống và làm chết san hô.
Bão biển cũng làm gãy nát san hô. Bên cạnh đó, vịnh Nha Trang nằm sát bờ biển, gần đô thị lớn với dân cư đông đúc, có những hoạt động công nghiệp, sinh hoạt nên đã tiếp nhận nhiều nguồn thải khác nhau từ đất liền, trên biển, như: chất ô nhiễm hữu cơ, chất thải rắn (bao gồm rác thải nhựa), nước ngọt, bùn cát từ núi và lưu vực sông đổ ra biển, đánh bắt thủy sản hủy diệt, du lịch biển thiếu kiểm soát… Đó là những yếu tố bất lợi cho môi trường vịnh, cản trở quá trình quang hợp cũng như sinh trưởng và phát triển của san hô, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn rạn san hô và đa dạng sinh học biển. Như vậy, cần phải xác định những nguyên nhân nào gây ra suy thoái rạn san hô Hòn Mun để có giải pháp sát thực, khả thi.
Ông có nhắc đến rất nhiều nguyên nhân, cả thiên tai và nhân tai. Nhưng có một điều cần phải nhìn nhận thẳng: đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Vịnh Nha Trang trong việc để các rạn san hô ở đây bị suy giảm, điêu tàn?
Trong 2 nhóm nguyên nhân nêu trên thì nguyên nhân do con người bao giờ cũng làm cường hoá tác động tự nhiên, đẩy nhanh quá trình suy thoái rạn san hô.
Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia theo Quyết định 742/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời vịnh Nha Trang cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam (đầu tiên có tên Hòn Mun), và là một trong 3 khu tiêu biểu được chọn để quản lý thí điểm ở cấp toàn cầu. Rất tiếc, những thành tựu, kinh nghiệm có được từ sự giúp đỡ, hỗ trợ quốc tế, quốc gia đó chưa được phát huy, thậm chí bị mai một đáng tiếc.
Do đó, liên quan đến vấn đề suy thoái rạn san hô Hòn Mun và thực trạng quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Ban Quản lý khu bảo tồn này (BQL) phải có trách nhiệm giải trình cho Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài.
Thứ nhất, phải giải trình và minh bạch về kế hoạch tuần tra, kiểm soát để bảo tồn rạn san hô ở vịnh Nha Trang nói chung, ở Hòn Mun nói riêng.
Thứ hai, giải trình vì sao lại thiếu cảnh báo sớm nguy cơ rạn san hô bị suy giảm khi phát hiện hay không phát hiện ra? Nếu đã cảnh báo thì cho ai và cảnh báo khi nào?.
Thứ ba, nếu không tự phát hiện rạn suy thoái, nhưng khi có các cảnh báo, khuyến nghị của các nhà khoa học, BQL có tiếp nhận thông tin ngay và xử lý kịp thời không?.
Thứ tư, khi có những mối nguy đã được nhận diện thì BQL có những giải pháp ban đầu nào, những nỗ lực phục hồi đã triển khai là gì?. Thứ năm, những giải pháp mới là gì để khắc phục thiệt hại ở khu vực rạn san hô Hòn Mun?. Tất cả cần có minh chứng cụ thể để minh bạch hóa trách nhiệm giải trình.
Việc phục hồi san hô và rạn san hô bị suy giảm, suy thoái, hư hại như hiện nay phải mất một thời gian dài, ít ra cũng phải 10 năm, không phải ngày một, ngày hai. Thời gian rạn Hòn Mun bị suy thoái kéo dài từ lâu mà BQL vịnh Nha Trang nếu không phát hiện hoặc biết mà không cảnh báo sớm, thì có lỗi. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà đã vào cuộc ngay từ cuối 2021 và lần này đã kịp thời chỉ đạo ngay khi nhận được thông tin báo chí. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần vào cuộc giúp tỉnh Khánh Hòa kiểm tra về góc độ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Yêu cầu BQL vịnh có báo cáo toàn diện, đẩy đủ về tình trạng rạn, công tác quản lý khu bảo tồn vịnh và giải pháp khắc phục. Tỉnh Khánh Hòa nên tiếp cận với các cơ quan khoa học liên quan và chuyên gia đã từng khảo sát rạn san hô ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang để sớm công khai chính thức hiện trạng rạn san hô Hòn Mun để công luận rõ và tham vấn giải pháp khả thi để phục hồi rạn và thúc đẩy công tác bảo tồn.
Theo ông, hệ luỵ của việc không bảo tồn được những rạn san hô đối với hệ sinh thái biển là gì và cách nào để khắc phục?
Các khu bảo tồn biển đem lại lợi ích cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và khoa học. Về kinh tế, các khu bảo tồn biển là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm, nhóm loài đặc hữu, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản và có cảnh quan ngầm rất đẹp để làm du lịch sinh thái và du lịch khoa học,… Mất rạn san hô sẽ mất đi rất nhiều thứ, trong đó có nguồn lợi thủy sản và tiềm năng du lịch bền vững trong khu bảo tồn.
Đặc biệt nếu mất đi rạn san hô sẽ mất đi giá trị tinh thần, mang tính di sản rất lớn - giá trị để đời của vùng biển mà thiên nhiên ban tặng. Vịnh Nha Trang là tài sản của quốc gia, của nhân loại gửi gắm vào một vùng đất của tỉnh Khánh Hoà, chứ không phải đây là tài sản riêng của một địa phương. Do đó, trách nhiệm bảo vệ vịnh Nha Trang cũng như rạn san hô ở đây không chỉ là trách nhiệm của tỉnh mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành, quốc gia.
Vịnh Nha Trang là vịnh ven bờ nên việc quan lý liên ngành rất quan trọng. Mọi nỗ lực bảo tồn ở vùng nước của vịnh sẽ không thể đạt được nếu như trên đất liền ven biển, trên các lưu vực sông – "không gian nguồn", vẫn tiếp tục xả thải, đầu độc môi trường biển với những nguồn thải chưa qua xử lý.
Vịnh Nha Trang có một số vùng lõi, trong đó Hòn Mun là vùng lõi quan trọng nhất. Việc dừng hoạt động du lịch tại Hòn Mun để cho biển nghỉ giống như "đóng cửa rừng" là điều cần phải làm, không phải là ngoại lệ, thậm chí còn phải ưu tiên. Cùng với đó là các giải pháp làm sạch rạn, phục hồi san hô, tái tạo rạn một cách hiệu quả chứ không phải chỉ dừng hoạt động du lịch.
Câu chuyện không chỉ là Thái Lan đóng cửa du lịch Vịnh Maya trong 3 năm qua, mà gần đây Philippines họ cũng đã đóng cửa một khu du lịch gần 2 năm để bảo tồn rạn san hô và làm sạch bãi biển. Nhiều nước khác họ cũng đã làm điều này.
Ông cũng vừa đi dự Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Phú Yên. Trong phát biểu kết luận hội nghị, khi nói về bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh phải chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo, nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch... Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo này?
Đây là một kết luận rất đúng và rất trúng, phản ánh trung thực kết quả thảo luận tại hội nghị. Từ khóa của Nghị quyết Số: 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 này là "phát triển bền vững kinh tế biển". Mà muốn phát triển bền vững thì phải bảo tồn và bảo tồn để phát triển các ngành/lĩnh vực kinh tế biển mới.
Đó là việc khẳng định lại chủ trương, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước đã thể hiện trong Nghị quyết 36 nói trên, cũng như trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt, đây là một ý tưởng trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta. Phát triển bền vững, mà bản chất của nó như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là phải giải quyết cân bằng mối quan hệ giữa phát triển và bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Do đó, kết luận Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 không chỉ là sự nhắc lại, mà còn là ý kiến chỉ đạo, cụ thể hóa, hiện thực hóa cho các địa phương ven biển với thông điệp: muốn phát triển thì trước tiên phải bảo tồn, bảo vệ môi trường. Không ai bỏ tiền đến du lịch một đất nước để ngắm một vùng biển nhếch nhác, bẩn thỉu; không ai bỏ tiền ra để tham gia, đóng góp với mình để bảo tồn những vùng biển mà không có giá trị bảo tồn tốt nhất đã từng được công nhận.
Với khu bảo tồn Vịnh Nha Trang phải quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận liên ngành, liên cơ quan, liên vùng – tức là giữa quản lý biển, vịnh và lưu vực sông ở bên trên; giữa hệ sinh thái đô thị với hệ sinh thái biển – nếu không giải quyết được thì mọi nỗ lực ở dưới biển cũng bằng không. Điều này không khác gì nguyên lý quản lý môi trường: phải quản lý ở đầu đường ống, nếu quản lý cuối đường ống là thất bại. Không ai cấm phát triển, nhưng phải lựa chọn giải pháp thân thiện môi trường, thích nghi sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu trong phát triển trong vịnh và lân cận.