Một giáo viên dạy văn nổi tiếng tại một Trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho rằng ở phần đọc hiểu (3 điểm), câu 1, 2 học sinh chỉ cần chép lại trong đoạn trích của đề thi đã được 1,5 đuểm.
Thí sinh làm bài thi môn ngữ văn. Ảnh: Tấn Thạnh
Trong khi đó, câu 3, 4 phần này là câu hỏi ở mức độ cao đòi hỏi các em phải tư duy nhiều, viết sâu sắc lại chỉ được 1,5 điểm. Đây là một cách làm không khoa học, thiệt thòi cho học sinh. Nếu muốn học sinh có điểm ở phần đọc hiểu này thì có thể giảm độ khó câu 3, 4 xuống để học sinh dễ kiếm điểm.
Chưa hết, câu 3 phần đọc hiểu, mỗi học sinh có thể hoàn toàn hiểu theo mỗi cách khác nhau, nếu học sinh trả lời khác đáp án của Bộ thì sẽ không có điểm. Trong bài viết "Xin hãy thương học trò" đang được chia sẻ trên mạng xã hội, cô Hà Hoài Phương, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai, phân tích trong phần đọc hiểu, các thầy cô giáo có tâm và có tầm sẽ nhìn ra đâu là câu trả lời của một học sinh non yếu về nhận thức và đâu là câu trả lời của một học sinh có những suy nghĩ sâu sắc về cùng một vấn đề.
"Ví dụ, ở câu 3, học sinh có thể trả lời như đáp án, hoặc khác đáp án theo hướng: Ở đâu có nước ở đó có con người/ thiên nhiên và con người gắn bó với nhau trong mối quan hệ hài hoà, gần gũi/ dòng chảy của nước trôi qua nhiều vùng đất, chứng kiến những buồn vui của cuộc sống con người/ cuộc sống con người cũng như dòng chảy của nước - lặng lẽ trôi và trong hành trình ấy con người lớn khôn, trưởng thành cùng biết bao điều mới mẻ, bao sự gặp gỡ... Thậm chí, học sinh có thể phản biện: Dòng chảy của nước thực ra không phải lúc nào cũng "mãi chầm chậm" và "mãi xanh", cũng như cuộc sống con người không phải lúc nào cũng bình yên phẳng lặng, nhưng bản thân hành trình với cả thác ghềnh và sóng gió ấy khiến cho dòng sông thêm hùng vĩ và đời người thêm trải nghiệm, trưởng thành! Những cách trả lời có thể không trùng với đáp án nhưng cho thấy tư duy độc lập, logic cùng năng lực sáng tạo của học trò - và mục đích đổi mới giáo dục của chúng ta là gì nếu không nhằm hướng tới điều đó!" - cô Phương viết.
Đáp án môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT
Đáp án môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT
Nữ giáo viên này cũng bày tỏ mong muốn các thầy cô chấm thi hãy thương học trò, đừng đếm ý, đừng máy móc bám vào dấu trừ, dấu cộng trong đáp án để cho điểm.
"Tư duy của học trò đôi khi không nằm trong những cộng trừ ấy. Hãy xem cách các em lập luận, lí giải vấn đề để biết học sinh ấy có lập trường, quan điểm và thái độ sống ra sao, điều ấy quan trọng hơn là tìm trong câu trả lời những ý, những từ có trong đáp án. Ví dụ, ở câu nghị luận xã hội, sự cần thiết của lẽ sống cống hiến phải được đặt trong sự đối sánh: Nếu có (biết cống hiến) thì sao/ nếu thiếu hoặc không (biết cống hiến) thì sẽ thế nào, với cá nhân và xã hội? Ý này không có trong đáp án nhưng là ý mấu chốt để xác định học sinh có hiểu bản chất vấn đề mình nói hay không. Hoặc câu nghị luận văn học, tấm lòng thầy cô không nhẽ dửng dưng lướt qua những dòng luận sâu sắc của trò về cái mong manh bất ổn của dự cảm - yếu tố làm nên chất nữ tính rất đặc biệt của thơ Xuân Quỳnh, cũng là chi tiết vắng mặt trong đáp án" - cô Phương chia sẻ.
Một giáo viên ngữ văn của một trường đóng tại quận Ba Đình (TP Hà Nội) chia sẻ mong muốn của các giáo viên là lòng không trĩu nặng, không phải thao thức mất ngủ vì thấy trò thiệt thòi. Đặc biệt với môn văn, không phải những con số mà rạch ròi, cứng nhắc.
Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)