Để hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước Việt Nam - Úc đạt được kết quả như ngày nay, theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp và chuyên gia giáo dục, có sự đóng góp rất lớn của GS-TS Trần Thị Lý - giảng viên Đại học Deakin, nhà nghiên cứu tiềm năng (future fellow) tại Hội đồng Nghiên cứu khoa học Úc.
GS-TS Trần Thị Lý (bìa phải) cùng các cộng sự và sinh viên
Bao năm nay, nữ GS-TS sinh năm 1975, quê Quảng Trị này luôn trăn trở với việc làm sao thay vì "nhập khẩu", Việt Nam có thể "xuất khẩu" giáo dục. Và, chị là một trong những người góp sức quan trọng trong việc này. Đến nay, Việt Nam đã là điểm đến du học của rất nhiều sinh viên quốc tế. Trong đó, nhiều người chọn học cả những ngành tưởng chừng là điểm yếu ở nước ta như công nghệ thông tin.
GS-TS Trần Thị Lý thổ lộ chị nung nấu ý tưởng "xuất khẩu" giáo dục Việt Nam từ những cảm nhận thực tế của một số sinh viên nước ngoài. Chị nhớ lại: "Susan, một thực tập sinh Úc, sau thời gian học về công nghệ thông tin tại Việt Nam cho biết em học hỏi được nhiều tính năng kỹ thuật và công nghệ mới trong chuyên ngành của mình. Theo Susan, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin năng động nhất thế giới".
Một sinh viên khác là James Fairley, đến từ Đại học Griffith, bày tỏ thời gian học và thực tập 12 tháng ở Việt Nam theo chương trình học bổng New Colombo Plan của chính phủ Úc là "trải nghiệm thanh xuân tươi đẹp và quý giá". "James cho biết không chỉ được trải nghiệm cuộc sống năng động ở nước ta, em còn tích lũy nhiều kiến thức chuyên môn rất hữu ích cho công việc của mình hiện nay trong lĩnh vực giao thương, đầu tư giữa Việt Nam và Úc" - GS-TS Trần Thị Lý dẫn chứng.
Để góp phần giúp Việt Nam ghi danh trên bản đồ giáo dục quốc tế, trở thành quốc gia "xuất khẩu" giáo dục, từ năm 2017, GS-TS Trần Thị Lý đã triển khai công trình khoa học "Tìm hiểu tác động của hiện tượng thực tập và học tập ngắn hạn của sinh viên Úc ở Việt Nam, cũng như Nhật và Trung Quốc, qua chương trình New Colombo Plan do Chính phủ Úc tài trợ (2017-2021)". Với công trình này, chị đã được trao giải thưởng "Nhà khoa học tiềm năng" của Ủy ban Nghiên cứu khoa học Úc. Đây cũng là giải thưởng duy nhất trong ngành giáo dục Úc năm 2017.
Những năm qua, ngoài công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Đại học Deakin, GS-TS Trần Thị Lý luôn tìm kiếm cơ hội tổ chức các tọa đàm, hội thảo quốc tế nhằm xây dựng thương hiệu cho giáo dục Việt Nam. Chị còn tìm tòi, kết nối những chương trình học bổng nhằm giúp Việt Nam nâng cao nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước, như: học bổng học tập, nghiên cứu Australia Award; học bổng phát triển năng lực lãnh đạo Endeavour Executive Award...
GS-TS Trần Thị Lý cũng tích cực tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng và chuyên môn ngắn hạn như Aus4skill hay những chính sách, dự án hỗ trợ đưa giáo dục Úc đến gần với Việt Nam hơn. Trong khuôn khổ một chương trình thí điểm do Chính phủ Úc phê duyệt hồi tháng 10 năm nay, Việt Nam là một trong 3 nước, cùng với Ấn Độ và Indonesia, được Úc chọn gửi sinh viên sang tham gia các khóa học để tăng cường khả năng tiếng Việt và vốn văn hóa Việt.
"Trong chương trình Aus4Skills, nhóm nghiên cứu chúng tôi thực hiện dự án "Nhu cầu về mặt kỹ năng đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam", thông qua sự hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc với các trường đại học Deakin và New South Wales của Úc. Dự án này đã cung cấp thông tin cho việc phát triển kế hoạch chiến lược và điều chỉnh chương trình giảng dạy của các trường đại học miền núi phía Bắc để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển khu vực, đất nước và hội nhập" - chị hào hứng.
Đề cập công việc sắp tới liên quan đến giáo dục Việt Nam, GS-TS Trần Thị Lý cho biết chị sắp thực hiện dự án tìm hiểu tác động của hiện tượng sinh viên Úc thực tập, học tập ở nước ta. Chị tiết lộ: "Dự án sẽ tìm hiểu, đưa ra những khuyến nghị nhằm xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc. Riêng với các khóa thực tập, học tập thuộc chương trình Colombo Plan mới, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên Úc".
GS-TS Trần Thị Lý khoe chị đang được giao thực hiện dự án mới của Chính phủ Úc nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế đến nước này học tập và nghiên cứu, trong đó có sinh viên Việt Nam. Chị giải thích: "Dự án này nhằm phát triển bộ hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng và phổ thông để hỗ trợ, nâng cao kết nối và trải nghiệm của sinh viên quốc tế".
Trò chuyện với chúng tôi, GS-TS Trần Thị Lý không giấu sự tâm đắc về những nỗ lực của chị cũng như nhiều người khác nhằm đưa giáo dục Việt Nam đến với người học ở Úc nói riêng và thế giới nói chung. Chị nhìn nhận: "Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong việc quốc tế hóa giáo dục. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam là một nước ổn định về chính trị và kinh tế. Giá cả sinh hoạt và học phí các khóa học ở nước ta vốn rẻ, cơ hội tìm kiếm chỗ ở và việc làm thêm cũng không khó. Đây là những điều kiện thuận lợi để sinh viên nước ngoài đến Việt Nam du học".
Theo GS Trần Thị Lý, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy được khả năng quốc tế hóa giáo dục đối ứng và toàn diện, thay vì chỉ là nước "nhập khẩu" giáo dục. Khi quốc tế hóa giáo dục, trở thành quốc gia "xuất khẩu" giáo dục, nước ta sẽ được "lợi đơn lợi kép". "Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến thu hút sinh viên quốc tế, trước mắt là với các khóa học ngắn hạn và thực tập" - chị khẳng định.
GS-TS Trần Thị Lý là nhà khoa học nổi tiếng với nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật và giảng dạy. Năm 2019, chị được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. GS-TS Trần Thị Lý cũng là một trong 2 nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu năm 2020.
Đến nay, GS-TS Trần Thị Lý đã giành được hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia. Chị đã công bố hàng trăm bài báo, công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của quốc tế.