Ngày 9-5, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung uơng MTTQ Việt Nam lần thứ 17 (khóa IX), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã cung cấp những thông tin về công tác giáo dục, đào tạo và đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), giáo dục phổ thông (GDPT).
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giới thiệu cuốn Chương trình GDPT 2018
Bộ trưởng GD-DT cho biết năm 2014, Quốc hội thông qua đề án và ban hành Nghị quyết 58 về việc triển khai chương trình GDPT mới, tuy nhiên quá trình chuẩn bị biên soạn đưa ra thực tế có nhiều lý do khác nhau nên đến tận năm 2018 chương trình GDPT mới được ban hành và năm 2019 mới bắt đầu triển khai trên thực tế.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn. Chương trình GDPT mới 2018 là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông.
"Hôm nay tôi có mang theo một cuốn Chương trình GDPT 2018 dày 1.000 trang, khổ lớn. Mọi thứ định hướng, thống nhất cho GDPT trên cả nước được nêu trong này. Sách này được lưu hành rộng rãi trong các trường học và có bản PDF có thể tìm thấy trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT" - ông Nguyễn Kim Sơn giới thiệu cuốn sách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc triển khai trương trình mới là việc chưa từng có, lạ và mới, nếu truyền thông không đầy đủ rất dễ gây ra những phản ứng của xã hội. Giáo viên nếu không tập huấn đầy đủ thì cũng lúng túng trong quá trình triển khai. Có nhiều cái hay, cái mới nhưng cũng có rất nhiều thách thức cho ngành giáo dục.
Bộ trưởng GD-ĐT thông tin tính đến tháng 5-2023, việc triển khai chương trình SGK mới đã đi được nửa chặng, đường, hiện đã triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Đến tháng 9-2023 sẽ triển khai ở các lớp 4, 8, 11 sẽ bắt đầu đổi mới. Trong mùa hè này, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định các bộ SGK của các lớp 5, 9, 12.
Như vậy, quá trình đổi mới, thay sách, triển khai trương trình mới đã đi được nửa chặng đường và đến năm 2025 sẽ kết thúc thay SGK mới.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, thời điểm này cũng có ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục một chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không? Đây cũng là thông tin quý báu, quan trọng mà ngành giáo dục phải nghiên cứu.
Tuy nhiên, từ góc độ làm chính sách, khi chương trình đã đi nửa chặng đường, nếu như thời điểm này lại thay đổi chính sách quay lại 1 chương trình 1 bộ SKG thì sẽ đi ngược lại tinh thần triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đã đặt ra cùng như dẫn đến sự hỗn loạn trong triển khai chính sách giáo dục phổ thông.
Hiện nay, người dân kêu sao chương trình giáo dục hay thay đổi, năm nào cũng thay đổi thế. Theo Bộ trưởng GD-ĐT, việc đổi mới lần này có thể xem là cuộc cách mạng trong giáo dục, vì vậy việc có ý kiến băn khoăn là điều đương nhiên. Cơ quan quản lý cần lắng nghe, phân tích ý kiến này để hoàn thiện.
"Chúng tôi mong đến năm 2025, khi chương trình mới đã đi đủ chặng đường, lúc đó câu trả lời một bộ sách hay nhiều bộ sách sẽ được đánh giá một cách có căn cứ và thấu đáo hơn" - Bộ trưởng nói.
Về góc độ tài chính, kinh tế, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết đối với 12 triệu học sinh, 9 lớp đã sử dụng, SGK mới và các sách liên quan thì đã có hàng trăm triệu bản sách đã được xuất bản. Nếu quay lại 1 bộ sách mà không sử dụng hàng trăm triệu bản sách mới nữa, chúng ta sẽ nói thế nào với tư nhân, với các cá nhân, tập thể đã hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, bỏ tiền của, công sức, trí tuệ để biên soạn SGK mới?.
"Xã hội chắc sẽ thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng cho các bộ SGK đã được nhập kho, lưu thư viện trong những năm tháng vừa qua, thiệt hại là vô cùng to lớn" - Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng GD-ĐT mong muốn với chính sách đang được triển khai, nếu có điều chỉnh thì hãy tính toán khi đã đi hết chặng đường, không nên thay đi đổi lại nhiều lần, vì sẽ khiến ngành giáo dục vốn đã khó sẽ càng gặp khó hơn và không biết đến bao giờ mới đổi mới một cách căn bản, toàn diện