Chị Nguyễn Thu Hoài, một phụ huynh có con học lớp 6 tại một trường THCS đóng tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), cho hay trong danh mục sách lớp 6 trường kê để bán cho phụ huynh, không chỉ có sách giáo khoa (SGK) mà còn cả sách bài tập.
Phụ huynh bức xúc vì bị "móc túi"
Chị phải mua cho con 4 cuốn sách bài tập toán và tiếng Việt với số tiền cũng gần bằng một nửa tiền mua SGK. Tương tự, chị Trần Hồng Hải, có con học lớp 1 tại quận Hoàng Mai, kể chị phải mua bộ sách Cánh Diều lớp 1 theo danh sách nhà trường cung cấp là 16 cuốn, với giá 281.000 đồng. Bên cạnh 9 SGK, còn kèm 7 sách bài tập là luyện viết 1 tập 1, tập 2, vở bài tập tiếng Việt 1 tập 1, tập 2, vở bài tập toán 1 tập 1, tập 2 và vở thực hành mỹ thuật 1.
Trong khi đó, theo danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt, bộ sách Cánh Diều lớp 1 gồm 9 cuốn có giá 199.000 đồng. Chưa hết, bên cạnh sách bài tập, các phụ huynh cũng phải mua cho con bộ đồ dùng lớp 1 với giá 230.000 đồng, cao hơn cả giá của bộ SGK lớp 1. Theo chị Trần Hồng Hải, do nhà trường chỉ ghi là Danh mục sách Cánh Diều lớp 1 năm học 2023-2024 nên chị cũng như các phụ huynh khác đều đăng ký mua cho con. Trên thực tế, việc phụ huynh nhầm lẫn sách bài tập là SGK là điều khó tránh khỏi khi các nhà trường thông tin mập mờ khiến phụ huynh hiểu nhầm.
Sách giáo khoa thường bán kèm theo sách bài tập, sách tham khảo tạo gánh nặng cho phụ huynh
Tình trạng "bia kèm lạc", sách tham khảo, sách bài tập bán kèm SGK đã diễn ra từ nhiều năm nay. Chị Nguyễn Thu Hoài bức xúc, trong suốt 5 năm tiểu học, chị phải mua nhiều đầu sách theo yêu cầu của nhà trường cho con nhưng những sách đó gần như không bao giờ dùng đến. Có thể kể đến các cuốn "Giáo dục nếp sống thanh lịch và văn minh cho học sinh Hà Nội", "Quyền và bổn phận của trẻ em", "An toàn giao thông"… "Các nhà trường bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo nhưng cuối cùng các loại sách đó không sử dụng đến gây lãng phí tiền của phụ huynh rất lớn. Bộ GD-ĐT quy định giáo viên không được giao bài về nhà cho học sinh tiểu học nhưng các nhà trường lại công khai đưa sách bài tập vào danh mục SGK, tôi thật sự không hiểu nổi điều này" - chị Nguyễn Thu Hoài nêu ý kiến.
Nhà trường, giáo viên "làm thuê" cho NXB
Trước thềm năm học mới 2022-2023, Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có thông báo số 367 năm 2022 gửi các đơn vị đầu mối về chính sách phát hành SGK, sách bài tập, sách giáo viên và sách tiếng Anh với chiết khấu rất cao. Theo đó, đối với phí phát hành SGK Chương trình Giáo dục phổ thông mới, mức chiết khấu là 28,5% giá bìa, phí phát hành sách bài tập cao nhất lên tới 35% giá bìa, phí phát hành sách giáo viên 15% giá bìa.
Theo đánh giá của TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, mức chiết khấu đối với sách bài tập là rất cao và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "bia kèm lạc" trong phát hành SGK. Bộ Tài chính phải xem lại chi phí phát hành đã hợp lý chưa. "Động cơ kinh tế có thể sẽ khiến nhà trường, giáo viên là người "làm thuê" cho các nhà xuất bản. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhà trường có thể chọn sách không phải vì chất lượng sách mà vì chiết khấu hoa hồng nhiều hay không, khi đó thì phụ huynh học sinh là người chịu trận" - TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích.
Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi có nên tiếp tục để các trường trở thành kênh phân phối SGK và tất cả các loại sách, tài liệu tham khảo hay không? Bộ GD-ĐT phải tính toán kỹ vấn đề này để tránh chuyện lợi ích cá nhân, giới thiệu nhiều loại không cần thiết cho phụ huynh, học sinh. Dù không có văn bản nào quy định trường học trở thành kênh phân phối SGK, tài liệu tham khảo nhưng nhiều năm nay, các trường tại Hà Nội cũng như ở tỉnh, thành phố khác đều bán sách.
Chọn sách thiếu minh bạch (?!)
Theo quy định hiện hành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Nhiều chuyên gia cho rằng cách chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, chưa khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng cách chọn sách hiện nay rất bất thường. Đáng lẽ ra giáo viên là người trực tiếp đứng lớp phải được lựa chọn quyển sách phù hợp thì lại giao quyền cho hội đồng của tỉnh. Ông cũng cho rằng việc quy định cho phép 63 tỉnh, thành thành lập hội đồng chọn cũng là cơ hội để các đơn vị xuất bản "đi đêm", cạnh tranh không lành mạnh.
Giải trình đề nghị của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên, phụ huynh, văn bản của Chính phủ gửi đoàn giám sát do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký cho hay đối với mỗi môn học, giáo viên và các học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau.
"Để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều kiện này" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng việc xem xét trao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh là cách làm thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về lựa chọn SGK theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn SGK của nhà trường.
Bà NGUYỄN THỊ DOAN, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:
Lãng phí lớn cho xã hội
Việc phát hành SGK kèm tài liệu tham khảo, sách bài tập viết một lần rồi vứt đi gây lãng phí lớn cho xã hội. Nhà trường nói phải có sách tham khảo, phụ huynh đành bỏ tiền ra mua nhưng nhiều sách tham khảo quá, học sinh không thể đọc được hết.
Việc chọn SGK để giảng dạy, hiện nay đang quy định một chương trình nhiều bộ SGK và trao quyền cho tỉnh chọn bộ SGK. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến phản ánh của người dân. Quy định như vậy dễ phát sinh khâu yếu trong quản lý, chỉ đạo chọn bộ SGK. Do vậy, cần có sự kiểm soát, giới hạn số lượng sách tham khảo cụ thể và cần thiết trong từng môn học để tránh tình trạng quá tải, bảo đảm chất lượng học tập tốt nhất cho học sinh.
PGS-TS VŨ TRỌNG RỸ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam:
Cần có nghiên cứu, đầu tư cẩn thận
Trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa SGK là việc làm đúng đắn, nhưng xã hội hóa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cơ chế thị trường. Hiện nay cả người dạy và người học chưa được quyền lựa chọn, không nên chỉ vì khó khăn trong khâu quản lý và tổ chức dạy học mà không chú ý tới những người trực tiếp sử dụng sách. Những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông cần có sự nghiên cứu cẩn thận, điều tra xã hội học, có số liệu cụ thể, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ để bảo đảm SGK cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Xã hội hóa SGK không có nghĩa là Nhà nước rút bớt trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục mà cần phải quan tâm đầu tư hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-8