Để giúp thí sinh chưa trúng tuyển hoặc những trúng tuyển vào ngành không yêu thích tìm thêm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình trực tuyến chủ đề "Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển" với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện đến từ các trường ĐH:
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
- TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM
- ThS Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM
- ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH).
Câu hỏi: Thưa quý thầy/cô, sau 2 ngày công bố điểm chuẩn; có hiện tượng một số thủ khoa các khối đã không trúng tuyển nguyện vọng 1; cũng như có nhiều ngành điểm chuẩn tăng đột biến. Thầy cô có thể nhận định về điểm chuẩn năm nay và phân tích nguyên nhân của sự biến động điểm chuẩn ở một số ngành học?
- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Đến thời điểm này, các trường đã công bố xong kết quả xét tuyển đợt 1. Sắp tới, các truờng ĐH còn thiếu chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung.
Mọi năm có khoảng 70% trường xét tuyển đủ. Hiện chưa có kết quả xác nhận nhập học nên chưa thể đưa ra đánh giá chính xác. Điểm chuẩn các trường năm nay cơ bản ổn định như năm 2022 nhưng có những ngành, những trường tăng 9-10 điểm, như ở Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM. Tuy nhiên đây chỉ là cá biệt. Năm nay, điểm chuẩn ngành CNTT vẫn cao nhất, tiếp theo là khối sức khỏe.
Việc các ngành có điểm cao thể hiện sức hút đối với thí sinh, cũng cho thấy xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh. Nhìn chung, với kết quả xét tuyển vừa qua thì kỳ tuyển sinh đợt 1 có kết quả khá tốt.
- Tiến sĩ Trần Đình Lý: Nhiều thí sinh đã trúng tuyển và hài lòng với kết quả nhưng cũng có trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng chưa hài lòng. Ngay sáng nay, tôi có nhận được thông tin thí sinh đã trúng tuyển NV1 nhưng lại muốn học NV2 ngành công nghệ thực phẩm.
Nhiều thí sinh khác chưa trúng tuyển thì có cơ hội hay không? Tại trường, phân hiệu Ninh Thuận chỉ tuyển bổ sung ít chỉ tiêu, phân hiệu Gia Lai tuyển bổ sung ở tất cả các ngành. Tại cơ sở chính ở TP HCM của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, chúng tôi đã xét tuyển đủ với kết quả ổn định.
Điểm chuẩn tuyển sinh phụ thuộc nhiều yếu tố như sức hút của ngành, kết quả điểm thi… Việc một số ngành/trường có kết quả tăng vọt được giải thích ở nhiều khía cạnh, trong đó cơ bản là chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT không còn nhiều bởi trường đã lấy hầu hết chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển sớm. Việc so sánh điểm chuẩn cùng ngành ở các trường cần chung hệ quy chiếu.
- ThS Nguyễn Thị Mai Bình: Tuyển sinh là một luật chơi, thí sinh cần tìm hiểu kỹ. Với mỗi trường, có những quy định khác nhau nên thí sinh cần phải nghiên cứu kỹ khi xét tuyển để tránh rủi ro.
- ThS Nguyễn Thị Xuân Dung: Theo quy định khung thời gian, trường đã công bố điểm chuẩn với mức điểm 16-21. Các ngành CNTT, dược điểm chuẩn là 21; một số ngành khác là 20… Năm nay, điểm chuẩn một số ngành tăng do gắn với xu hướng ngành nghề được nhiều thí sinh chọn. So với năm 2022, nhiều ngành ở HUTECH có mức tăng 1-3 điểm.
Câu hỏi: Đối với các thí sinh đã trúng tuyển đợt 1, cần phải làm gì ở thời điểm này để không bị bỏ lỡ quyền trúng tuyển và cơ hội nhập học?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Kỳ tuyển sinh năm nay cho thấy việc tuyển sinh đã trở lại như trước dịch, kết thúc xét tuyển đợt 1 vào cuối tháng 8. Như vậy, các em học sinh lớp 12 không có thời gian nghỉ hè. Với những em may mắn đậu đợt 1, sự chuẩn bị khá cập rập và phải kỹ lưỡng, như: phải làm thủ tục nhập học trước 5 giờ chiều ngày 8-9; phải theo dõi thông tin ở trường để làm thủ tục nhập học. Bên cạnh đó, các em còn phải tìm hiểu các quy định, quy chế; phải chuẩn bị tâm thế để vào đại học.
- ThS Nguyễn Thị Mai Bình: Đầu tiên, các em vào trang web của Bộ GD-ĐT để xác nhận nhập học, chủ động liên hệ với các trường ĐH để xem thời gian chính thức nhập học. Thêm nữa là thời gian sinh hoạt công dân đầu khoá, kiểm tra sức khỏe trước khi nhập học. Do đó, các em nên chủ động liên hệ với nhà trường.
ThS Nguyễn Thị Mai Bình (bìa phải)
Tại Trường ĐH Hùng Vương, các em có thể lên website của trường để xác nhận nhập học luôn, thời gian cũng sẽ kết thúc đúng theo quy định. Hoặc, các em có thể liên hệ theo số hotline của trường để được hướng dẫn làm thủ tục nhập học. Thời gian kết thúc nhập học của các trường sẽ khác nhau nhưng không được kết thúc trước thời gian xác nhận nhập học của Bộ GD-ĐT. Các em cần chuẩn bị hồ sơ, đừng chờ giấy báo nhập học gửi đến nhà mới làm hồ sơ để tránh trường hợp không kịp làm hồ sơ nhập học.
- ThS Nguyễn Thị Xuân Dung: Sau khi thí sinh trúng tuyển, các bạn phải làm 2 việc quan trọng. Thứ nhất là xác nhận nhập học trên website của Bộ GD-ĐT. Thứ hai là đến trường để hoàn tất hồ sơ nhập học. HUTECH đang đón tiếp các em đến làm hồ sơ nhập học, kể cả ngày cuối tuần và lễ. Trường cố gắng hỗ trợ các em hoàn tất thủ tục một cách thuận tiện nhất. Trường sẽ làm thủ tục nhập học ở 2 địa điểm tùy vào ngành học, do đó các em phải xem ngành học của mình là gì để đến đúng cơ sở làm thủ tục. Với những giấy tờ để xin ở ký túc xá hoặc miễn nghĩa vụ quân sự, trường cũng sẽ hỗ trợ để sinh viên hoàn tất hồ sơ.
Câu hỏi: Được biết, nhiều thí sinh điểm cao vẫn chưa trúng tuyển đợt 1, vậy còn nhiều cơ hội vào trường công lập hay không? Thầy/cô có thể tư vấn cho các em cách chọn nguyện vọng bổ sung vào các trường công lập?
- TS Trần Đình Lý: Có rất nhiều trường hợp điểm cao (gần 25 điểm) nhưng đăng ký toàn trường tốp trên mà không có dự phòng thì khả năng vẫn rớt ngay cả các trường tốp giữa có điểm chuẩn tăng. Nhiều phân hiệu của trường ĐH được hưởng chính sách của trường công nên thí sinh cân nhắc đăng ký. Với các trường ngoài công lập, hiện nay được đầu tư rất tốt nên thí sinh cũng nên xem xét. Thí sinh nên lấy nguyên tắc chọn ngành phù hợp chứ không nên bằng mọi cách trúng vào ĐH.
Câu hỏi: Đối với các trường ngoài công lập, liệu cơ hội còn rộng mở hay không? Những ngành học nào mà Trường ĐH Hùng Vương TP HCM và Trường ĐH Công nghệ TP HCM còn tuyển, điều kiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung ra sao, những lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký xét tuyển?
- ThS Nguyễn Thị Mai Bình: Trường ĐH Hùng Vương vẫn đang nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung ở 3 hình thức: học bạ, kết quả thi tốt nghiệp và điểm của kỳ thi ĐGNL ĐHQG TP HCM. Thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại Fanpage hoặc trực tiếp tại cơ sở của trường.
Lưu ý: Các em đã không trúng đợt 1, nên lần này cần nghiên cứu thật kỹ vì số lượng chỉ tiêu không còn nhiều, phải nghiên cứu mức điểm và số lượng nhận hồ sơ của các trường. Có thể thời gian nhận hồ sơ của các trường sẽ rất ngắn và chỉ tiêu của các ngành không còn nhiều. Các em phải nghiên cứu kỹ để hạn chế rủi ro.
- ThS Nguyễn Thị Xuân Dung: Theo dự kiến, HUTECH sẽ không xét tuyển bổ sung bằng 2 phương thức: điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi ĐGNL ĐHQG TP HCM. Trường sẽ xét tuyển bổ sung theo hình thức học bạ, nhận hồ sơ đến ngày 10-9, xét tuyển bổ sung ở tất cả các ngành với mức điểm từ 18-24 tùy ngành. Các em có thể theo dõi tại website của trường. Đây là cơ hội cuối để các em có thể vào những ngành yêu thích tại HUTECH. Các em có thể liên hệ với trường để biết thêm chi tiết về hồ sơ nhập học hoặc hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung.
Câu hỏi: Đối với các thí sinh không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp thì có có thể dùng các phương thức xét tuyển khác để xét tuyển bổ sung hay không? Nếu thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trong các đợt tiếp theo hay không?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Ngay sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, nhiều trường thông báo ngay việc xét tuyển bổ sung.
Với thí sinh trúng tuyển đợt 1 thì tiếp tục xác nhận nhập học. Với thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học thì vẫn có thẻ tham gia xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, thí sinh phải hết sức lưu ý về thời gian xét tuyển các trường vì không có sự đồng nhất thời gian. Các trường cũng có thể chỉ giới hạn xét bổ sung ở một số phương thức.
Thí sinh cần hết sức lưu ý là số trường, ngành xét tuyển bổ sung giảm đi rất nhiều. Do vậy, thí sinh phải hết sức cân nhắc khi từ chối nhập học ngành, trường đã trúng tuyển. Thí sinh phải có đủ thông tin xét tuyển bổ sung và có sự bảo đảm khả năng trúng tuyển rất cao.
Câu hỏi: Đối với việc chọn ngành học, với những thí sinh không đậu ngành ưa thích và cũng không có nhiều cơ hội cho ngành mình thích ở nguyện vọng bổ sung thì cần phải thay đổi "chiến lược" chọn ngành học ra sao để vừa có cơ hội trúng tuyển và vừa không quá hụt hẫng với ngành học mới đăng ký xét tuyển bổ sung?
TS Trần Đình Lý: Khi rơi vào tình thế ngoài mong muốn, lời khuyên đầu tiên là các em nên có tâm thế chấp nhận một chút. Tuy nhiên, không được nản chí, định hướng nghề nghiệp rất quan trọng.
Trong các chương trình Đưa trường học đến thí sinh, chúng tôi luôn nhấn mạnh là chọn ngành trước rồi chọn trường sau. Các em cần chọn ngành theo sở thích, thế mạnh của mình. Trong trường hợp các em không chọn được ngành chính yếu ở trường chính yếu thì các em nên chọn ngành chính yếu trong trường thứ yếu. Trong trường hợp các em phải chọn ngành thứ yếu trong trường thứ yếu thì chắc chắn các em không mong muốn, nhưng các em vẫn có cơ hội học bằng 2 với ngành mà em mong muốn ngay từ đầu.
Trân trọng cảm ơn các đơn vị tài trợ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023:
- Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền;
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank);
- Tập đoàn Vingroup;
- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup);
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank),
- Trường Đại học Văn Hiến;
- Công ty CP Uniben;
- Charm Resort
Và các đơn vị đồng hành:
- Trường Đại học Hùng Vương TP HCM;
- Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH).