Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền!

Thứ hai, 18 Tháng 9 2023 07:18 (GMT+7)
Đó là câu chuyện mà em Nuh Haliza chia sẻ tại Chương trình trao quà hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc Chăm và tặng quà gia đình khó khăn do Báo Người Lao Động phối hợp với Ủy ban MTTQ quận 8 tổ chức.
 
Đến tham dự chương trình vào chiều 16-9 có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
 
Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền! - Ảnh 1.
Các đại biểu chụp hình với các em học sinh, sinh viên và bà con dân tộc Chăm được trao quà
 
Chia sẻ với phóng viên, em Nuh Haliza (học sinh lớp 11) cho biết ba mẹ em buôn bán tự do, thu nhập không ổn định. Thời gian gần đây, cuộc sống của gia đình em càng thêm khó khăn khi ba em mắc phải bệnh tiểu đường và suy tim, không thể lao động nặng. Bước vào năm học mới, nhà em phải đối diện với nhiều nỗi lo, nhất là nỗi lo về kinh phí học tập.
 
Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền! - Ảnh 2.
Em Nuh Haliza chia sẻ tại chương trình
 
"Đồng phục, sách vở và đồ dùng học tập em phải chia ra làm nhiều đợt mới có thể mua được. Em muốn đi học thêm môn toán và môn vật lý để củng cố kiến thức. Nhưng vì chưa đủ tiền nên ba mẹ chỉ cho em đi học môn toán" – em Nuh Haliza chia sẻ. Em cũng cho biết sẽ dùng số tiền nhận được để đăng ký lớp học thêm và tin rằng thành tích học tập sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
 
Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền! - Ảnh 3.
Báo Người Lao Động phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi trao 100 suất kinh phí hỗ trợ học tập và 100 suất quà cho học sinh, sinh viên dân tộc Chăm và gia đình khó khăn trên địa bàn quận 8
 
Tại chương trình, Báo Người Lao Động đã trao 100 suất kinh phí hỗ trợ học tập cho 100 em học sinh, sinh viên dân tộc Chăm trên địa bàn quận 8. 100 suất kinh phí hỗ trợ với tổng trị giá 100 triệu đồng, được trích từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" và số tiền 50 triệu đồng do Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi ủng hộ.
 
Cũng trong dịp này, Báo Người Lao Động phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi tặng 100 suất quà, với tổng trị giá 50 triệu đồng cho các hộ gia đình gặp khó khăn sống tại quận 8.
 
Chia sẻ tại chương trình, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do ông Trương Hòa Bình sáng lập cách đây khoảng 20 năm. Báo Người Lao Động đã vinh dự tiếp nhận, điều hành và quản lý chương trình này trong thời gian khoảng 2 năm trở lại đây.
 
Báo Người Lao Động đã tổ chức trao học bổng, kinh phí hỗ trợ học tập kết hợp với trao tặng cờ Tổ quốc, túi thuốc y tế tại hàng chục tỉnh thành. Hàng chục ngàn học sinh, sinh viên trên hàng chục tỉnh, thành của cả nước đã được Báo tặng học sinh và kinh phí hỗ trợ học tập với tổng trị giá hơn 11 tỉ đồng.
 
Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền! - Ảnh 5.
Ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - trao kinh phí hỗ trợ học tập cho các em học sinh
 
"Mặc dù đã bước vào năm học mới rồi, nhưng Ban Tổ chức chương trình nhận được thông tin trên địa bàn quận 8 vẫn còn một số em học sinh, sinh viên cần sự động viên, chia sẻ trong dịp này. Do đó, chúng tôi đã tổ chức trao các suất kinh phí hỗ trợ học tập cho các em trong dịp này, với mong muốn các em bước vào năm học mới với khí thế mới, đạt được nhiều thành tích tốt" – ông Tô Đình Tuân cho biết.
 
Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền! - Ảnh 6.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu trao kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh
 
Theo bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 8, đời sống của đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn quận vẫn còn nhiều khó khăn. Sự hỗ trợ của Báo Người Lao Động kịp thời giúp cho các em học sinh, sinh viên có thêm kinh phí để trang trải cho việc học.
 
Con muốn đi học thêm nhưng chưa có tiền! - Ảnh 7.
Tổng Biên tập báo Người Lao Động trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
 
Bà Hà cũng cho biết: "Sự chăm lo này đã góp phần giúp nhiều em học sinh, sinh viên dân tộc Chăm được học hành đầy đủ, có em học đại học, sau đại học. Nhờ đó mà cuộc sống của các em dần được ổn định, phát triển".
 
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục