TP HCM: Hiệu trưởng nói gì về “đếm like, lượt share” trên facebook, zalo để chấm điểm học sinh?

Thứ hai, 30 Tháng 10 2023 13:08 (GMT+7)
Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã có phản hồi xung quanh thông tin nhà trường chấm điểm bài làm của học sinh dựa vào lượt like và share trên Facebook, Zalo
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết việc tổ chức cho học sinh đi xem kịch theo tinh thần tự nguyện nhà trường đã làm trong nhiều năm qua, đây cũng là một phương pháp giáo dục của nhà trường chứ không phải bỗng dưng đi xem.
 
Theo ông Phú, việc cho các em đi xem kịch, cải lương, các phim trong giáo dục hiện nay nhằm định hướng gu thẩm mỹ thông qua các giá trị nghệ thuật mà những tác phẩm ấy mang lại. 
 
Riêng vở kịch "Yêu là thoát tội', bản thân ông và các học sinh đã xem đến 19 lần, đây là tác phẩm hay và có giá trị nghệ thuật, giáo dục cao.
 
Sau khi xem kịch về, các em rất thích, có những học sinh tuy học lớp 10 nhưng cũng là lần đầu biết đến loại hình nghệ thuật kịch này. "Trước đây, khi xem kịch về, nhiều em viết bài cảm nhận rất hay, rất xúc động, phụ huynh cũng bất ngờ vì sự cảm nhận sâu sắc của con mà trước đây các em không có dịp thể hiện"- ông Phú nói.
 
TP HCM: Hiệu trưởng nói gì về đếm like, lượt share trên facebook, zalo để chấm điểm học sinh - Ảnh 2.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong một hội thi
 
Ông Phú cho biết thêm, xem kịch, phim là hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường có tính phí theo tinh thần tự nguyện nhưng không lấy điểm theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM. 
 
iăViệc cộng 1-2 điểm chỉ là điểm thưởng vào cột đánh giá thường xuyên và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của học sinh.
 
Việc nhà trường khi tính điểm theo hình thức đếm like, lượt share, thả tim cũng là có dụng ý. "Hiện nay, em nào cũng có điện thoại thông minh, tài khoản mạng xã hội, tại sao không tận dụng cái các em đang có để quảng bá sản phẩm do chính mình làm ra. Để các em hiểu rằng, một clip khi chia sẻ trên mạng xã hội và mời anh em, họ hàng, bạn bè cùng share, like thì cần có kỹ năng giao tiếp thế nào, đồng thời để đưa một bài viết, một clip lên mạng xã hội cần phải chỉn chu, chọn lọc thông tin ra sao.
 
Thông qua việc chia nhóm để làm việc, các em sẽ học được cách làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác, đoàn kết, chia sẻ thông tin, chọn lọc thông tin, kỹ năng cảm nhận thế nào, sử dụng mạng xã hội văn minh ra sao. Qua những công việc như vậy để hình thành tập thể đoàn kết yêu thương nhau" - ông Phú nói.
 
Trước đó, một số phụ huynh lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) phản ánh nhà trường thông báo sẽ cho học sinh khối 10 đi xem kịch "Yêu là thoát tội" ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Mỗi học sinh sẽ đóng 65.000 đồng. Sau khi xem kịch xong, các học sinh sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm từ 8 đến 10 em.
 
Bài thu hoạch sẽ được chấm điểm như sau: Thang điểm đánh giá là 10 điểm. Trong đó nội dung cảm nhận vở kịch: 3 điểm; thiết kế bài thu hoạch đẹp: 3 điểm; đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like: 2 điểm; share trên trang cá nhân đạt trên 50 share: 2 điểm. Phụ huynh cho rằng, việc tính điểm như vậy không công bằng, chưa khách quan với học sinh.
 
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục