Ngày 4-1, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023 của tỉnh Nghệ An, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc 281 giáo viên ở tỉnh Nghệ An bị truy thu 10 tỉ đồng gây xôn xao dự luận trong thời gian qua, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định sẽ thực hiện đúng theo kết luận thanh tra, số tiền nào đã chi không đúng, thì sẽ tiến hành thu hồi lại theo đúng quy định.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An trả lời tại cuộc họp báo ngày 4-1
Theo ông Long, trong năm 2012 thực hiện Thông tư 47, tỉnh có ban hành văn bản số 6612 để hướng dẫn thực hiện thông tư này, tuy nhiên, hiện Thông tư 47 đã hết hạn. "Việc thực hiện biệt phái hay không biệt phái thì phải có phương án… những trường hợp không giảng dạy, không đứng lớp sẽ không được hưởng chế độ phụ cấp"- ông Long khẳng định.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng GD-ĐT, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương đưa cán bộ, giáo viên tại các trường học về Phòng GD-ĐT công tác. Thời điểm này, đa số các giáo viên đang giữ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường học.
Nhằm chi trả cho hàng trăm giáo viên trên 19 huyện, thành thị được biệt phái trên, nhiều năm liền, địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn công văn số 6612 của UBND tỉnh Nghệ An.
Thế nhưng, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản cho rằng công văn số 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Nghệ An ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Việc UBND cấp huyện, thành, thị căn cứ văn bản trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại Phòng GD-ĐT, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.
Do vậy, ngày 9-2-2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ công văn số 6612. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện, thị dừng chi trả các khoản nêu trên đối với giáo viên được điều động, biệt phái. Tuy nhiên, sau đó hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái.
Ngày 12-1-2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản số 263 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên. Kết quả kiểm tra đã phát hiện số người nhận các loại phụ cấp đã chi trả không đúng là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người, số tiền chi sai hơn 10 tỉ đồng.
Theo đó, huyện Kỳ Sơn số tiền gần 2 tỉ đồng; huyện Thanh Chương hơn 1 tỉ đồng, huyện Quỳ Châu trên 1,1 tỉ đồng, huyện Tương Dương hơn 970 triệu đồng...
Hiện, Sở Tài chính Nghệ An đã có hướng dẫn Phòng Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch 19 huyện, thị xã tham mưu, ban hành quyết định thu hồi về ngân sách số tiền hơn 10 tỉ đồng chi trả không đúng quy định.
Theo các giáo viên biệt phái, hiện đời sống vất vả, việc phải trả lại số tiền hàng trăm triệu đồng được hưởng nhiều năm trước đây là rất khó khăn. Thầy giáo Lê Hải Hà, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, "ăn ngủ không yên" khi nhận được tin bị dừng chi trả phụ cấp cho giáo viên biệt phái và yêu cầu truy thu số tiền phụ cấp đã nhận trong năm 2021 và năm 2022.
"Khi nhận được tin sẽ không được nhận tiếp tiền phụ cấp và phải trả lại số tiền khoảng gần 100 triệu đồng đã được hưởng những năm trước đây tôi rất hoang mang. Tiền chúng tôi được nhận là do cấp trên chi trả, giờ đã tiêu hết lâu rồi, lấy đâu ra mà nộp lại"- thầy giáo Lê Hải Hà lo lắng.