Chiều 18-3, tại phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã nêu thực trạng không ít du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác khi đi học.
Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp, đưa các đối tượng này về nước để lập lại trật tự kỷ cương trong nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sau đại dịch COVID-19, việc giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai rất mạnh mẽ. Năm 2022, Việt Nam chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân ra nước ngoài nhưng con số này tăng lên đến hơn 10 triệu lượt người vào năm 2023.
Cùng với đó, số lượng lao động, du học sinh của Việt Nam quay trở lại các nước để học tập cũng tăng lên rất nhanh. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong bối cảnh đó, có xảy ra tình trạng lao động, du học sinh vi phạm pháp luật ở các nước, ảnh hưởng đến hợp tác của Việt Nam với các đối tác.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan xây dựng quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động sang nước ngoài. "Việc này nhằm đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của nước sở tại cũng như quan hệ hai nước"- Bộ trưởng nêu rõ.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao, du học sinh của Việt Nam ra nước ngoài rất đông. "Qua cuộc gặp với lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, những người ở lại đều có nguyện vọng muốn về đất nước cống hiến, phục vụ nhưng cũng còn băn khoăn khi bên nước bạn tạo nhiều điều kiện để các em có thể ở lại làm việc sau khi học"- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Theo Bộ trưởng Ngoại giao, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi trả lời kiều bào cũng nói rõ nếu học sinh thấy phát huy được công việc của mình sau khi học xong thì ở lại, nhưng phải đúng quy định pháp luật của nước sở tại. Việc này vừa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước, quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị hiện nay cũng như sau này của Việt Nam với các đối tác đó.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tri thức của các du học sinh được trau dồi thì sau này về đóng góp cho đất nước cũng tốt hơn. "Một số trường hợp trốn ở lại, chúng tôi sẽ phối hợp với bộ ngành để thông tin, làm việc với đối tác để các bạn hiểu bối cảnh hiện nay"- Bộ trưởng nêu rõ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) về các giải pháp đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm.
Theo Bộ trưởng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế, vùng phát triển. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ. Đồng thời tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.