Hôm 5-7, nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục đạt 17,18 độ C, bằng với kỷ lục một ngày trước đó. Trong những tháng qua, các nhà khoa học đã cảnh báo năm 2023 có thể chứng kiến mức nhiệt độ cao kỷ lục do tác động đồng thời của biến đổi khí hậu và sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino.
Theo AP, con số mới nhất là dữ liệu chưa chính thức được đưa ra bởi Climate Reanalyzer. Đây là công cụ phân tích khí hậu của Trường ĐH Maine (Mỹ), sử dụng dữ liệu vệ tinh và mô phỏng máy tính để đo lường tình trạng của thế giới.
Trong khi đó, kỷ lục của ngày 4-7 được ghi nhận chính thức bởi Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA). Đây cũng là những con số cao nhất từng được NOAA ghi nhận kể từ khi cơ quan này bắt đầu hoạt động thống kê vào năm 1979. Mức 17,18 độ C cũng cao hơn tới gần 1 độ C so với con số trung bình của giai đoạn 1979-2000.
"Một kỷ lục như thế này là bằng chứng khác cho dự báo đang được ủng hộ rộng rãi rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ đẩy chúng ta đến một tương lai nóng hơn" - nhà khoa học khí hậu Chris Field từ ĐH Stanford (Mỹ) nhận định về những con số nói trên.
Thời tiết nắng nóng ở TP New York - Mỹ hôm 5-7Ảnh: Reuters
Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Sean Birkle của Trường ĐH Maine - người tạo ra công cụ Climate Reanalyzer - mô tả các số liệu hằng ngày này như "bức ảnh chụp nhanh hữu ích về những gì đang xảy ra trong một thế giới đang ấm lên".
Theo đài CNN, một số chuyên gia cảnh báo rằng kỷ lục nói trên có thể tiếp tục bị phá vỡ thêm vài lần nữa trong năm nay. Viết trên mạng xã hội Twitter hôm 5-7, ông Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu tại tổ chức phân tích dữ liệu nhiệt Berkeley Earth (Mỹ) cho biết thế giới trong 6 tuần tới có thể trải qua một vài ngày "thậm chí còn ấm hơn".
Tương tự, ông Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Biến đổi khí hậu và môi trường Grantham (Anh) cảnh báo: "Đây không phải một kỷ lục đáng để ăn mừng và nó sẽ không kéo dài lâu, khi mùa hè ở Bắc bán cầu vẫn còn phía trước và El Nino đang phát triển".
Kể từ đầu năm đến giờ, theo AP, nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao đã bị phá trên thế giới, gây ra hậu quả nặng nề.
Chẳng hạn như ở Mexico, ít nhất 112 người đã tử vong do nhiệt độ tăng cao kể từ tháng 3 năm nay. Một đợt nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ đã khiến ít nhất 44 người thiệt mạng ở bang Bihar. Còn tại Mỹ, 38 triệu người sống tại những khu vực có cảnh báo về nhiệt độ cao hôm 5-7.
Nhiệt độ cao kỷ lục cũng được ghi nhận trong tuần này ở Peru và tỉnh Quebec - Canada. Riêng nước Anh cũng trải qua tháng 6 nóng nhất (nhiệt độ trung bình 15,8 độ C) kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1884.
Cảnh báo màu đỏ ở Bắc Kinh
Cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc hôm 6-7 đưa ra một loạt khuyến cáo về nhiệt độ cao ở khắp miền Bắc nước này, với mức nhiệt từ 40 độ C trở lên. Hầu hết khu vực này nhận cảnh báo màu cam (mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo 3 cấp), bao gồm nhiều vùng của thủ đô Bắc Kinh cùng các tỉnh Hà Bắc và Hà Nam.
Đặc biệt, tờ Nhật báo Bắc Kinh đưa tin lúc 7 giờ ngày 6-7 (giờ địa phương), Bắc Kinh đã ban bố cảnh báo màu đỏ. Cùng ngày, Sở Văn hóa và Du lịch Bắc Kinh yêu cầu các hướng dẫn viên du lịch giảm thiểu hoạt động tham quan ngoài trời. Cuối tuần rồi, một hướng dẫn viên tại Di Hòa Viên ở Bắc Kinh đã bị đột quỵ và tử vong vì sốc nhiệt.
Từ đầu tháng 6 đến ngày 5-7, Bắc Kinh ghi nhận 18 ngày có mức nhiệt độ cao trên 35 độ C - số ngày nhiều nhất trong cùng thời điểm kể từ năm 1951 đến nay. Với nhiệt độ tối đa có thể lên tới 43 độ C ở một số nơi trong ngày 6-7, Hà Bắc cũng nhận cảnh báo màu đỏ tương tự.
Nắng nóng liên tục xảy ra ở Trung Quốc nhiều tuần nay. Không chỉ miền Bắc mà nhiều khu vực ở miền Trung và Đông Trung Quốc, như khu tự trị Nội Mông, các tỉnh Thiểm Tây và Sơn Đông... thời gian qua cũng có cảnh báo màu cam về nhiệt độ cao. Theo Reuters, chính quyền nhiều địa phương đã yêu cầu người dân và doanh nghiệp tiết kiệm điện.
Nhiều chuyên gia dự báo nhiệt độ cực đoan năm nay ở Trung Quốc có thể vượt qua đợt nóng thiêu đốt của năm 2022, vốn kéo dài hơn hai tháng.
Hải Ngọc