Cháo hàu
Hàu thường sống bám vào những kênh rạch, bờ kè, thân cây… để sinh sống, có rất nhiều ở vùng đất Mũi. Kích thước của hàu khá lớn, nên người dân ở địa phương thường tranh thủ mang theo dụng cụ như búa, đục để bắt, con nào con nấy thịt chắc, mập.
Khi bắt hàu tươi đem về nhà, họ rửa thật kỹ bằng nước sạch rồi tách ra bằng dao. Sau đó, hàu sẽ được xào trên chảo, nêm nếm gia vị và cho vào nồi cháo. Cuối cùng, người dân sẽ nêm cháo thêm một lần nữa cho vừa ăn, thêm chút hành ngò cắt nhỏ, tiêu và múc ra chén để mọi người quây quần thưởng thức.
Đối với những ai thích ăn hơi tái, hàu sẽ không phải trải qua công đoạn xào hay cho vào nồi cháo mà cứ giữ nguyên bên ngoài. Khi cháo sôi múc ra, gắp hàu bỏ vào trụng (chần) sơ và thưởng thức. Thịt hàu có độ giòn vừa phải, thơm và ngọt.
Gỏi nhộng ong
Sở dĩ món ăn này được gọi như thế bởi sự quý hiếm, hương vị ngon tuyệt vời và cả một quá trình chế biến rất công phu. Chính vì thế đây là món ăn được nhiều thực khách sành ăn tìm ăn khi đến vùng đất Mũi.
Loại ong thường chỉ sinh sống ở rừng cho ra loại mật nổi tiếng. Ong rừng U Minh hút mật hoa tràm, sống tự nhiên không có sự tác động của con người nên không chỉ mật thơm ngon mà ngay cả nhọng ong cũng béo ngậy hơn bình thường. Vậy nên mỗi lần đi rừng kiếm mật, người thợ may mắn kiếm được tổ sau khi cắt lấy bọng mật chỉ dám lấy thêm một ít nhộng ong non về thưởng thức.
Sáp nhộng ong sau đó sau đó chế biến thành các món như cháo, nhộng ong xào hoặc ngon nhất là đem đi bóp gỏi. Mùi vị của món này là sự kết hợp hài hòa giữa bùi và béo. Khi chế biến, người đầu bếp sẽ nhúng sáp nhộng ong vào nước sôi để làm sạch, sau đó phi hành thật thơm, thả sáp nhộng ong vào đảo thật đều, nêm nếm gia vị vừa phải gồm tiêu, đường, nước mắm rồi múc ra để riêng. Tiếp đó họ sẽ lấy bắp chuối bào mỏng, cho thêm chút giấm, trộn cùng đậu phộng, hẹ, rau thơm xắt nhỏ và cho tất cả vào phần sáp nhộng ong đã được chế biến. Cuối cùng pha chén nước mắm chua ngọt đổ lên trên và đem ra thưởng thức.
Bánh tằm
Bánh tằm hay còn gọi bánh tầm, cầu kỳ từ khâu làm bột đến chế biến nước sốt và xíu mại. Sợi bánh tằm nhìn giống sợi bún bò hay bánh canh nhưng lớn hơn một chút và khác về chất liệu. Để làm nên sợi bánh thơm ngon người Cà Mau lấy gạo xay thành bột, rồi hòa với nước mà đem hồ trên lửa liu riu. Khi hồ đã nguội thì rắc bột khô trên cái mâm lớn và se thành từng sợi. Những sợi bánh trắng mập mạp trên mâm như những chú tằm nằm ngủ sẽ được đem vào xửng hấp chín.
Nước sốt bánh tằm cũng rất đặc biệt, cay và thơm mùi cà ri, và luôn được đun riu riu trên bếp cho nóng. Món bánh tằm được chuộng nhất xứ phải kể đến là xíu mại, thường dùng cá hoặc thịt bằm nhuyễn, ướp gia vị thật vừa miệng rồi hấp qua.
Khi ăn cho bánh tằm ra đĩa, đặc biệt sợi bánh gỡ riêng, không dính bết vào nhau, sau đó cho rau sống và xíu mại lên trên, người bán lấy muỗng chan nước sốt cà ri nóng lên làm bánh thấm vị cay thơm. Bánh tằm ngon nhất khi ăn kèm rau giá đậu xanh, ngò, xà lách, vắt thêm chút tắc thơm giúp đĩa bánh có vị thơm bùi.