Hương vị gia truyền
Chị Nguyễn Thị Phượng (chủ Cơ sở nước mắm cá linh truyền thống Phượng) cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nước mắm nên hương vị này đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của chị. “Trước đây, tôi thường theo bà ngoại rong ruổi khắp nơi trên những chiếc xuồng để bán nước mắm. Khi lớn lên, tôi mong muốn phát huy nghề gia truyền của gia đình, cũng như mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe” - chị Phượng bộc bạch. Theo chị Phượng, để có được hương vị thơm ngon thì nguyên liệu phải được lựa chọn công phu, tỉ mỉ. Cá linh được chọn không lẫn với các loại cá khác và phải là cá linh giữa mùa nước nổi, không được chọn cá linh non và cá linh quá già. Lý giải về điều này, chị Phượng chia sẻ: “Cá linh đầu mùa còn quá nhỏ, thịt ít, nước mắm sẽ không ngon. Ngược lại, cá linh cuối mùa thường to, mật cá lớn, nước mắm sẽ có vị đắng, khó ăn”.
Nước mắm nhỉ sử dụng phương pháp truyền thống mang lại hương vị độc đáo
Về phương pháp, chị Phượng cho biết, cá linh đem về rửa sạch, trộn với muối theo tỷ lệ 10kg cá/3kg muối. Sau đó, hỗn hợp cá, muối sẽ được ủ từ 6-12 tháng rồi cho lên giàn nhỉ. Phần nước chắt lọc được cho vào những chiếc lu sành và phơi trong 3 tháng rồi tiến hành đóng chai, bán ra thị trường. “Trong quá trình ngâm ủ cũng như chế biến, ngoài muối, chúng tôi không sử dụng thêm bất kỳ loại chất bảo quản hay phụ gia nào. Do đó, nước mắm giữ được hương vị độc đáo so với nhiều loại sản phẩm có trên thị trường hiện nay” - chị Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất thêm nước mắm nấu nhằm góp phần đa dạng các sản phẩm, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Nước mắm nấu công đoạn ngâm, ủ cũng giống như nước mắm nhỉ, chỉ khác ở chỗ thay vì đưa lên giàn nhỉ, cá linh được mang ra nấu rồi dùng vải mịn lược lại là có ngay sản phẩm. Nước mắm cá linh nấu thường được dùng để kho, tẩm ướp là chủ yếu. “Bình quân 5kg cá linh sẽ cho ra 1 lít nước mắm. Tùy theo sản lượng cá được đánh bắt trong tự nhiên mà sản lượng nước mắm sản xuất mỗi năm khác nhau, từ 600-700 lít” - chị Phượng thông tin thêm.
Nước mắm sạch, an toàn cho sức khỏe
Đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, cơ sở sản xuất nước mắm của chị Phượng cho ra thị trường 600-700 lít sản phẩm mỗi năm. Nhờ hương vị thơm ngon, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh như: An Phú, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và TP. Vị Thanh (Hậu Giang). Sản phẩm được bán với giá 60.000 đồng/lít mắm nhỉ và 20.000 đồng/lít mắm nấu. “Trước đây, khi mới bắt đầu phát triển nghề làm nước mắm, gia đình tôi mong muốn có được chút ít thu nhập để lo cho việc học hành của con cái. Dần dần, sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích, số lượng đặt mua ngày càng nhiều, tạo điều kiện cho cơ sở mở rộng quy mô sản xuất như ngày nay”- chị Phượng cho biết.
Có những khách hàng trước đây quen dùng nước mắm công nghiệp, sau khi tham quan cơ sở, thấy việc sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, mùi vị đặc trưng, với phương pháp chế biến truyền thống đã thật sự yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đặt hàng nước mắm cá linh với số lượng lớn. Không những tạo ra sản phẩm đặc trưng, cơ sở còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng (tùy thời điểm), qua đó đóng góp không nhỏ vào công tác đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Nói về những dự định của mình, chị Phượng chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất, cho ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ sở dự định cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại”.
Nước mắm cá linh từ lâu đã trở thành gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, theo chị Phượng, việc sản xuất nước mắm cá linh đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao… đang là bài toán khó cho việc phát triển nghề gia truyền này.