Những cơn mưa đi qua để lại lớp nước trên những tán lá rừng. Núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên) mùa mưa xanh rì màu lá. Người dân địa phương cho biết, nho rừng chỉ có trái chín khi mưa già, chứ thời điểm này còn khá nhỏ. Được sự hướng dẫn của những người bạn, tôi đến chân núi Phú Cường để tìm cho bằng được trái nho rừng.
Dây nho rừng thường bám vào các cây cao, bụi rậm trong rừng
Sau thời gian tìm kiếm, tôi cũng thấy được trái nho rừng. Anh Trần Đại Lâm (người dân địa phương) cho biết: “Dây nho rừng có sức sống mãnh liệt: mùa khô nó co mình lại, mùa mưa phát triển tốt tươi và đơm bông kết trái. Hồi trước, nho rừng ở vùng núi này khá nhiều. Đám con nít chăn trâu, chăn bò hay hái nho rừng chín để ăn vì quà vặt hồi ấy hiếm lắm. Dù là trái cây hoang dã nhưng nho rừng có vị chua chua, ngọt ngọt rất đặc trưng nên không chỉ con nít, mà người lớn cũng rất thích ăn. Mỗi dây nho rừng có rất nhiều chùm trái. Mỗi chùm có đến hàng trăm trái. Chúng sống theo rừng tre hay đu mình vào những cây lớn để leo lên cao”.
Theo chỉ tay của anh Lâm, trước mắt chúng tôi là một dây nho rừng to cỡ ngón tay cái. Từng chùm trái đậu vắt vẻo trên dây nho hầu như không có lá trong mùa mưa này. Những trái nho non màu xanh, có vị chua chua rất lạ. Lần đầu nhìn thấy trái nho rừng khiến tôi thích thú. Nho rừng không giống nho vườn bởi cuống trái rất chắc. Anh Lâm cho biết, mỗi chùm nho rừng khi trái chín có thể nặng đến 3kg và nhìn rất thích, bởi màu tím đặc trưng rất đẹp của loại trái cây hoang dã này.
Tự tay hái một chùm nho rừng, tôi mới thấy lời anh Lâm chia sẻ chính xác. Dù trái nho còn rất nhỏ nhưng đã khá nặng. Loài cây mọng nước này một khi đã “đeo” vào cây gì thì cây đó sẽ không phát triển tốt được. Do đó, có một thời cây nho rừng bị người dân địa phương “ghẻ lạnh”, bởi không mang đến lợi ích về mặt kinh tế. Tuy nhiên, khi vị chua ngọt đặc trưng của nho rừng được nhiều người biết đến thì loại trái hoang dại này đã thực sự lên ngôi. Người ta tìm nho rừng về ngâm rượu để tận hưởng vị ngon từ núi rừng. Những trái nho rừng chín có màu tím sẫm nên khi ngâm rượu sẽ lên màu rất đẹp. Do đó, người dân xứ núi bắt đầu “săn” loài cây này để tạo ra loại rượu đặc sản của xứ núi Tịnh Biên.
“Để chế biến rượu nho rừng, trước tiên người ta hái nho đã chín có màu tím trên dây xuống rồi rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, cho nho vào hũ và thêm đường phèn rồi đổ rượu vào ngâm khoảng 1 tháng là sử dụng được. Rượu nho rừng ngon nhất là nước “cốt” đầu tiên nhưng khá mạnh. Do đó, người sử dụng phải pha loãng. Đây là loại đặc sản chỉ dùng để đãi khách phương xa cho biết phong vị núi rừng” - anh Trần Đại Lâm thông tin. Do hiện nay nho rừng ngày càng hiếm nên nhiều người nảy ra ý tưởng sẽ trồng loại cây hoang dã này. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai thành công với cách làm này, bởi nho rừng vốn đúng với tên gọi của nó chỉ sinh trưởng ở rừng. Tận tay ngắt một trái nho rừng cho vào miệng mang đến cảm giác rất lạ, bởi nó là sự trải nghiệm mới mẻ về loại đặc sản của vùng Bảy Núi.
Thời điểm hiện tại, nho rừng vẫn còn khá non nên những người bạn địa phương hẹn tôi quay lại núi Phú Cường sau 2 tháng nữa để thưởng thức rượu nho rừng. Có lẽ, cảm giác được tận hưởng hương vị của núi rừng sẽ rất đặc biệt nên tôi nhất định sẽ quay lại để tự tay hái những chùm nho chín mọng, cho vào miệng để hiểu hơn cái tình của đất và người Tịnh Biên qua loại trái đặc sản mỗi năm chỉ xuất hiện 1 lần ở vùng Bảy Núi.