Môn được phơi héo trước khi làm dưa.
Khá bỡ ngỡ khi thấy khách lạ ghé thăm nhà, cô Võ Thị Hồng Vân ở ấp 5B nói vui: “Nghề thu tiền bạc cắc nhưng gom góp từng ngày cũng thành bạc triệu”. Để đảm bảo số môn che chắn kỹ dưới ánh nắng gay gắt, cô Vân dùng vài tàu lá chuối đậy kín lên mớ môn tươi vừa cắt, vừa thắt vài cây môn lại với nhau đem lên sào phía trước nhà phơi. Hỏi cô vì sao không bỏ luôn mớ môn tươi xuống sân nhà phơi luôn cho tiện, cô Vân đáp: “Làm như vậy bụi bám cây môn, không đảm bảo vệ sinh”.
Thấm mệt với việc liên tục di chuyển đem môn đi phơi, cô Vân tranh thủ nghỉ ngơi và dành chút thời gian trò chuyện cùng tôi. Cô chia sẻ: “Tôi có 9 năm phục vụ trong quân đội, vì hoàn cảnh gia đình tôi xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Có trong tay 2 công đất canh tác lúa nhưng làm chỉ được 1 vụ/năm, đời sống chật vật nên để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi con, tôi đi làm công nhân. Khi tuổi lớn đi làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh, bởi một tháng chỉ vài ba ngày người ta thuê làm cỏ, lựa trái cây… Trong lúc khó khăn, tôi thấy đám môn ngứa quanh nhà mọc xanh tốt, ngẫm nghĩ nhớ lúc nhỏ thường sang nhà ông cụ hàng xóm chơi, thấy ông làm dưa môn, hình ảnh các công đoạn tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu, từ đó tôi quyết định cắt thử môn vào làm y như thế. Khi ra thành phẩm, đem cho hàng xóm dùng thử, ai cũng khen ngon, ngay cả các con của ông cụ khi xưa cho rằng món dưa tôi làm không khác gì ngày xưa ba họ từng làm”.
Khi được mọi người khuyến khích làm bán bởi biếu hoài họ ngại, nên tôi mạnh dạn gom góp ít tiền mua vài chiếc khạp dùng ủ môn, mua thêm muối, đường, ớt... và tìm môn về làm dưa. Đối với môn ngứa, cái khó là làm sao khi ra thành phẩm ăn không bị ngứa mới thành công, bởi chỉ cần đụng vào môn là tay, chân rất ngứa, huống chi ăn trực tiếp vào miệng. Bí quyết của cô Vân khá đơn giản, môn cắt về bỏ bớt phần thân phía trên, chỉ lấy dưới gốc lên tầm 3 gang tay rồi đem phơi nắng khoảng 30 phút. Sau đó cho môn vào bao nhào liên tục đến khi hết nước bên trong thân. Đây được xem là khâu quan trọng nhất, nếu không kiên nhẫn, làm qua loa thì môn vẫn còn nước, ăn sẽ bị ngứa. Sau đó, đem môn rửa qua nước sạch một lượt, để ráo, nhấn môn vào lu chứa, đổ nước vo gạo vào tầm một tuần là môn đã chua, lấy ra trộn thêm đường, muối, tỏi, ớt… là đã ra thành phẩm món dưa môn.
Cô Vân bên khạp ủ môn chuẩn bị cho ra thành phẩm.
Cô Vân cho biết thêm: “Dưa môn muốn ngon phải lựa chọn cây môn ở nước sâu, phần gốc môn sẽ trắng, mềm, giòn. Nói dễ nhưng khi bắt tay vào làm cũng rất cực, nhưng nếu thực sự yêu thích nghề và đam mê thì mới cho ra sản phẩm ngon và người tiêu dùng luôn nhớ đến món ăn nhà quê đã lưu truyền từ lâu. Để đảm bảo dưa môn có bán mỗi ngày, tôi thường đi cắt cây môn 2 lần/tuần, khoảng 50kg cây môn tươi, đem về sơ chế và cứ ủ môn nối tiếp nhau, mẻ dưa này bán xong đến mẻ dưa khác, giá bán 20.000 đồng/kg, bán theo chén ăn cơm 5.000 đồng/chén, thu nhập mỗi ngày tầm 100.000 đồng”.
Nghề làm dưa môn truyền thống đã đem lại thu nhập khá cho cô Vân, do tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ngoài tự nhiên, không phải tốn chi phí đầu tư trồng như các loài cây màu khác và đây cũng xem như là thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm vì tất cả từ nguyên liệu đến các phụ phẩm cho vào tạo thành món dưa đều là các gia vị dùng hàng ngày tại các gia đình. Quan trọng hơn hết, đây là món dưa có truyền thống lâu đời được cô Vân giữ gìn, phát huy và nhắc nhở mọi người khi thưởng thức món dưa môn luôn nhớ về quê hương, xứ sở.