Các O xứ Huế đi hái măng tre cán giáo.
Từ một loài tre nhỏ mọc hoang nhiều ở những vùng đồi núi, ngày nay tre cán giáo được trồng nhiều ở ven bờ con sông Bồ hay thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên- Huế).
Đúng như tên gọi, loại tre “nhỏ con” này thường được cư dân bản địa dùng làm cán của những ngọn giáo hay dùng làm cán rựa, cán liềm, cán dao nhờ loài tre này là thân nhỏ, đặc ruột và rất cứng chắc khi tre vào độ tuổi trưởng thành.
Măng của cây tre cán giáo là một thực phẩm quý. Tre cán giáo cho măng nhiều nhất từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Điều rất độc đáo là “măng cán giáo” dùng tươi có vị ngọt thanh chứ không hề có vị đắng như các loài măng tre khác cho nên ngày xưa, loại măng này dùng để tiến vua. Chính vì thế, măng được dùng chế biến nhiều món ngon mà không cần phải luộc để loại bỏ chất đắng.
Tại các chợ ven sông Bồ, măng cán giáo sau khi sơ chế có giá 20.000 đ/kg. Măng của tre cán giáo có thể xắt rối luộc chấm mắm gừng tỏi, kho cá rô đồng, muối chua để nấu canh… Tất cả đều rất ngon nhưng ngọt ngon và bổ dưỡng nhất phải kể đến món măng cán giáo hầm giò heo.
Y học hiện đại đã chứng minh rằng măng tre rất giàu dinh dưỡng. Có đủ các chất như protid, glucid, các vitamine và muối khoáng cần thiết cho cơ thể con người. Măng có nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, nhất là những người muốn giảm cân. Và nếu ăn thường xuyên thì măng tươi có tác dụng trị đờm, lợi tiểu và sáng mắt...
Theo dân gian, măng cán giáo hầm với giò heo còn lợi sữa cho phụ nữ sau khi sinh nên rất được ưu tiên dùng trong bữa cơm cho sản phụ. Tuy nhiên, cần lưu ý là măng phải được thu hái vào lúc sáng sớm khi chưa có ánh nắng mặt trời để dinh dưỡng càng cao và tác dụng gọi sữa càng lớn.
Cách chế biến món măng cán giáo hầm giò heo như sau:
Măng sau khi thu hái về sẽ được lột vỏ sau đó chỉ sử dụng những phần non cắt thành lát mỏng vừa, rửa sạch rồi để ráo nước. Măng tre cán giáo tươi có vị ngọt thanh, không đắng nên không cần phải luộc qua như các loại măng tươi khác nhằm giữ độ ngọt và dinh dưỡng của món ăn.
Giò heo cạo sạch lông, rửa bằng nước muối vài lần cho sạch rồi chặt khúc dày độ 3cm. Tiếp đến dùng một nhánh gừng tươi đập giập cho vào nước nấu sôi và cho chân giò vào luộc sơ, vớt nhanh để ráo nước.
Dùng vài củ hành tím giã nát cùng ít hạt tiêu rồi trộn thêm vài muỗng cà phê nước mắm ngon để ướp thịt giò khoảng 15 phút. Tiếp đến dùng khoảng 2 muỗng cà phê ruốc Huế hòa tan trong một bát nước lã chờ lắng trong.
Bắc nồi lên bếp cho chút dầu ăn phi thơm với hành tím rổi bỏ giò heo đã ướp thấm gia vị vào xào cho thấm. Tiếp đến lắng nước trong của nước mắm ruốc đổ vào nấu thêm vài phút cho dậy mùi thơm đặc trưng rồi bỏ tiếp măng đã sơ chế vào hầm cùng giò heo.
Chú ý phải đổ nước ngập trên hỗn hợp măng và giò heo. Khi hỗn hợp sôi đều thì hạ nhỏ lửa và tiếp tục hầm đến khi thịt giò heo mềm và những lát măng thấm gia vị ngọt thanh giòn sật là đạt yêu cầu.
Nếm bát canh măng cán giáo hầm giò heo của xứ “Huế thương”, bạn sẽ không khỏi xuýt xoa về độ thơm ngon của nó bởi hương vị đặc trưng bát canh sẽ kích thích tất cả khứu giác, vị giác của bạn. Mùi thơm nồng nàn của hành tím của hạt tiêu hòa trong mùi thơm đặc trưng đậm đà của mắm ruốc Huế sẽ làm bạn muốn hít hà mãi.
Vị ngọt thanh của măng tre cán giáo hòa trong vị ngọt béo của giò heo và cảm giác giòn sật của măng, giòn mềm của từng khoanh giò heo chắc chắn sẽ làm bạn không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của món ngon này. Bởi vậy, ở quê tôi vẫn còn lưu truyền câu ca: “Canh măng cán giáo hầm giò/ Anh ăn một bát rồi hò với em” hay là “Canh măng cán giáo, giò heo / Anh ăn một bát sẽ theo em liền”…