Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Henrich-Heine và Viện Nghiên cứu Y học môi trường IUF-Leibniz (Düsseldorf- Đức) đã tìm ra một protein mang tên p27 trong ty thể tế bào người có thể trở nên năng động hơn nhờ cà phê. Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS Biology.
Cà phê có triển vọng trở thành thức uống bổ sung vào chế độ điều trị cho người từng bị đau tim - ảnh: INDEPENDENT
Trong thí nghiệm trên chuột, hoạt động đủ mạnh mẽ của các protein này đã bảo vệ tế bào tim của các con chuột già, bị tiểu đường, tiền tiểu đường và béo phì rất thành công. Thần kỳ hơn, các tổn thương cơ tim xảy ra trước khi bắt đầu sử dụng cà phê thường xuyên cũng được cải thiện và phục hồi đáng kể.
Theo giáo sư Judith Haendeler, thành viên nhóm nghiên cứu, điều này có thể giúp các bác sĩ nghĩ đến việc đưa cà phê vào danh sách thực phẩm bổ sung cho người già, người có bệnh, ví dụ như các bệnh nhân vừa phục hồi sau một cơn đau tim, người béo phì và tiểu đường. Hơn nữa, sự năng động của protein p27 trong ty thể còn có tiềm năng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, chứ không riêng hệ tim mạch.
Với trọng lượng trung bình, mỗi ngày bạn cần uống 4 tách cà phê để đạt được những lợi ích nói trên.
Tuy nhiên, các tác giả cũng như các chuyên gia y tế khác cũng cho rằng còn cần thêm những nghiên cứu lâm sàng trước khi đưa 4 tách cà phê vào danh sách những biện pháp hỗ trợ dành cho người phục hồi sau cơn đau tim.
Dù vậy, nếu bạn là một người bình thường, bạn hoàn toàn có thể thử tập thói quen này. Cà phê là thức uống rất phổ biến, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh giúp giảm nguy cơ đột quỵ, bệnh gan, bệnh đường ruột, thậm chí là một số loại ung thư.
Một nghiên cứu của Tây Ban Nha năm 2017 cũng khuyến cáo mức uống cà phê là 4 tách mỗi ngày, có thể giúp giảm đến 64% nguy cơ tử vong sớm. Tuy nhiên, đó mới là nghiên cứu mang tính thống kê, chưa lý giải được tường tận nguyên nhân khiến thức uống này "thần kỳ" đến thế.