Tôm cỡ lớn ở Cà Mau đang được Minh Phú thu mua tăng trên 10% so với thời điểm tháng 5.
Giá giảm chỉ là tạm thời
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, thông thường, từ tháng 1 đến tháng 5, nhu cầu thị trường còn ở mức thấp cùng với việc tồn kho từ cuối năm 2017 (do các nước trúng mùa) nên các nhà nhập khẩu không vội nhập hàng mà chờ giá giảm sâu mới bắt đầu mua vào. Trong khi đó, một số nước, như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia vào vụ thu hoạch sớm, sản lượng tăng nguồn cung trở nên dồi dào.
Ngoài ra, việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và thời tiết khu vực Bắc Mỹ những tháng đầu năm trở nên lạnh nhiều cũng khiến việc tiêu thụ tôm giảm. Các nhà nhập khẩu tồn kho lớn tại Mỹ, Canada và cả một số quốc gia châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị tồn kho… nên giá tôm thế giới đồng loạt giảm từ đầu năm, đặc biệt là trong tháng 4 và tháng 5. Khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tôm lo lắng và tập trung thu hoạch tôm cỡ nhỏ làm cho công suất chế biến của các nhà máy giảm, hạn chế sức mua, góp phần làm cho giá tôm giảm thêm.
Những diễn biến thị trường vừa qua cho thấy, giá tôm thẻ giảm đều ở tất cả các kích cỡ, nhưng giảm mạnh nhất là tôm cỡ 80-100 con/kg. Phân tích thêm về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết: "Năm nay, Ấn Độ đẩy mạnh diện tích và mật độ thả nuôi ngay từ đầu năm nên sản lượng tôm của họ rất lớn, đặc biệt tôm cỡ 80 con/kg. Trong khi đó, tôm cỡ 80-100 con/kg có sức tiêu thụ thấp hơn so với những kích cỡ khác và công suất chế biến thấp, chi phí tăng, nên giá giảm là điều có thể hiểu được".
Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm giảm mạnh thời gian qua chỉ là tạm thời do nguồn cung vượt cầu. Vì vậy, chỉ cần điều chỉnh nhanh khâu tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, giá tôm sẽ bình ổn trở lại. Ông Hòe nêu ý kiến: "Vấn đề quan trọng hiện nay không phải là giá tôm sẽ tăng lên bao nhiêu, mà cái chính là chúng ta có thể giảm được giá thành bao nhiêu và quan trọng hơn là tôm nuôi cần đạt các tiêu chuẩn quốc tế để tiêu thụ được thuận lợi hơn".
Giá tôm tăng từ đầu tháng 6
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ không dồi dào như vừa qua, trong khi các doanh nghiệp cũng bắt đầu vào vụ thu mua chuẩn bị nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm. Do đó, cần tập trung tuyên truyền cho người nuôi bình tĩnh, tiếp tục thả nuôi nhưng hạn chế thu hoạch tôm thẻ cỡ nhỏ nhiều để tránh giảm giá. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, hình thành liên kết chuỗi để đảm bảo mục tiêu phát triển ngành tôm hiệu quả và bền vững. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người nuôi thực hiện đúng quy trình và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới để giảm chi phí, tăng tỷ lệ thành công và hiệu quả nghề nuôi. |
Đó là nhận định của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú và để minh chứng cho nhận định trên, ông phân tích: "Chỉ trong tháng 5, Minh Phú ký được hợp đồng lên đến 10.179 tấn tôm, giá trị khoảng 110 triệu USD. Đây là mức hợp đồng kỷ lục mà Minh Phú thực hiện được từ trước đến nay với thời gian chỉ trong 1 tháng. Điều đó cho thấy, nhu cầu thế giới bắt đầu tăng lên và theo dự báo của Minh Phú, nhu cầu sẽ tăng khoảng 20% ngay trong tháng 6 này. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 6, Minh Phú đã tăng giá thu mua tôm nguyên liệu trên 10% và dự kiến đến tháng 8 sẽ tăng khoảng 30% so với mức giá vào lúc thấp điểm nhất của những tháng đầu năm, tức giá tôm cỡ 100 con/kg có màu sắc đẹp, không dư lượng kháng sinh sẽ vào khoảng 95.000 - 100.000 đồng/kg".
Đồng tình với nhận định trên, nhưng ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta có phần thận trọng hơn. Ông Lực nói: "Một số nước nuôi tôm lớn như: Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc… vẫn chưa vào chính vụ, còn Ấn Độ họ có rất nhiều vùng nuôi khác nhau và năm nay họ đẩy mật độ nuôi lên rất cao. Vì vậy, theo tôi, giá tôm trong thời gian tới sẽ tăng, nhưng mức tăng chỉ tương đối và cao điểm sẽ vào khoảng trên 10%, chứ không thể tăng mạnh lên ngang mức giá ở năm 2017".
Bình tĩnh, thả nuôi đúng quy trình
Đó là khuyến cáo của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản để đảm bảo sản lượng thu hoạch hợp lý, đa dạng kích cỡ để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Với hơn 90% hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, nên theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngành chức năng và các địa phương cần khuyến cáo người nuôi thả thưa để giảm rủi ro, giảm chi phí và có thể kéo dài thời gian nuôi để thu hoạch tôm cỡ lớn. Hình thức này là rất phù hợp cho cả 2 đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ.
Còn theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, người nuôi nên áp dụng quy trình nuôi tôm "3 sạch" kết hợp với thu tỉa 2 - 3 lần để vừa đạt sản lượng cao, giá thành hạ và giá bán cao vì thị trường luôn cần nhiều cỡ tôm khác nhau (nhỏ, trung, lớn). Không nên tập trung thu hoạch tôm cỡ nhỏ quá nhiều vì như thế sẽ làm giá tôm tiếp tục giảm, do các nhà máy chế biến không đủ công nhân để đáp ứng được công suất chế biến. Riêng đối với con tôm sú, do giá cao hơn tôm thẻ đến 40%, nên lượng khách hàng cũng sụt giảm (chuyển sang mua tôm thẻ). Vì vậy, nếu phát triển mạnh tôm sú mà không giảm được giá thành cũng sẽ rất khó bán.