Liên kết tiêu thụ nông sản Việt

Thứ sáu, 15 Tháng 6 2018 09:57 (GMT+7)
Nhờ được liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm, nông sản chất lượng của Việt Nam có đầu ra ổn định tại thị trường trong nước và tiềm năng mở rộng sang các thị trường xuất khẩu

Sáng 14-6, khách hàng mua sắm tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát thích thú chứng kiến hình ảnh cây vải thiều sum sê trái được trưng bày trong khuôn viên siêu thị. Những chùm vải tươi rói, lúc lỉu trên cây thật hấp dẫn. Một số người hiếu kỳ dừng chân tạo dáng chụp hình với cây làm kỷ niệm.

Vải ngon, rẻ đắt hàng

Cây vải thiều này là một trong số ít cây vải lâu năm được chuyển từ Lục Ngạn (Bắc Giang) về trồng tại một số điểm bán thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, thể hiện thông điệp gắn kết, giao lưu văn hóa giữa 2 vùng miền cũng như cam kết của Saigon Co.op về việc hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Sự kiện trồng cây là một phần của sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op năm 2018 nhằm giới thiệu trái vải đặc sản của miền Bắc đến đông đảo người tiêu dùng TP HCM và các vùng miền khác trên cả nước.

Bên trong siêu thị, những chùm vải thiều căng mọng, đỏ tươi nổi bật giữa khu vực trưng bày trái cây tươi, giá khuyến mãi chỉ còn 29.000 đồng/kg. Với tay chọn liền 5-6 chùm vải cho vào túi đựng, chị Nguyễn Phương Ngọc, ngụ quận 7, cho biết cả nhà chị rất thích ăn vải. "Tôi đọc báo thấy Co.opmart bán vải thiều chính gốc Bắc Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao nên nhân tiện đi siêu thị mua luôn chục ký về ăn tươi và nấu với nước đường để ăn dần" - chị Phương Ngọc nói.

Liên kết tiêu thụ nông sản Việt - Ảnh 1.

Khách hàng chọn mua vải thiều Bắc Giang tại Co.opmart Ảnh: Thanh Nhân

Để có được những trái vải thiều chính gốc, tươi ngon nhất bán cho khách hàng, bộ phận thu mua của Saigon Co.op đã về tận Bắc Giang, Hải Dương thu mua tại vườn, vận chuyển bằng xe chuyên dụng về các điểm bán lẻ Co.opmart, Co.op Food, Co.op Xtra… bán với giá phải chăng. Giá bán của vải là giá thu mua trực tiếp tại vùng nguyên liệu cộng thêm chi phí vận chuyển; Saigon Co.op chủ động giảm lợi nhuận để bảo đảm tối đa quyền lợi nông dân. Theo kế hoạch, từ ngày 28-5 đến 15-7, Saigon Co.op cam kết bao tiêu 400 tấn vải thiều được khai thác trực tiếp từ những tổ sản xuất tại Lục Ngạn (Bắc Giang) và Hải Dương.

Liên kết tiêu thụ nông sản Việt - Ảnh 2.

Cây vải thiều Lục Ngạn trước sân Co.opmart Huỳnh Tấn Phát Ảnh: Thanh Nhân

Đầu ra ổn định cho nông sản

Đại diện Saigon cho biết 20 tấn vải thiều đầu tiên được vận chuyển từ Bắc Giang về TP HCM đã tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Hiện bộ phận thu mua đang tiếp tục mua hàng và phân bổ về các điểm bán trên toàn quốc, bảo đảm người tiêu dùng cả nước đều được thưởng thức vải thiều chính gốc với giá khuyến mãi. Dịp này, Saigon Co.op còn xây dựng những chương trình khuyến mãi dành riêng cho vải thiều như lễ hội trái cây, tiêu dùng xanh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và mang đến cho khách hàng mức giá tốt nhất. Ngoài chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều lần này, Saigon Co.op sẽ tiếp tục hợp tác tiêu thụ nhiều mặt hàng đặc sản khác của tỉnh Bắc Giang cũng như đăng ký những hình thức thu mua khác liên quan đến sàn giao dịch, sàn đấu giá để người dân và thị trường nông sản trong nước không còn trăn trở với việc "giải cứu".

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều năm nay nằm trong kế hoạch của Saigon Co.op nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước. Từ đầu năm, Saigon Co.op đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng kế hoạch chi tiết bao tiêu vải thiều. "Không chỉ kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa, với trách nhiệm của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chúng tôi luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và kịp thời tham gia giải cứu hàng trăm tấn nông sản trong những đợt nông sản bị ùn ứ, rớt giá để giúp nông dân thu hồi vốn tái đầu tư sản xuất, hạn chế lãng phí xã hội" - ông Đức cho biết.

Cũng theo ông Đức, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng Việt Nam. Saigon Co.op đặc biệt chú trọng đến chất lượng hàng hóa kinh doanh tại siêu thị. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam còn đẩy mạnh xây dựng các vùng nguyên liệu rộng lớn về nông nghiệp thông qua việc thiết lập một mô hình gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Từ đó, tạo tiền đề liên kết và phát huy lợi thế của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất (nông dân) và nhà phân phối để đưa sản phẩm sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng.

"Không để tình trạng "giải cứu" xuất hiện vào mỗi mùa nông sản, Saigon Co.op chủ động kết nối các vùng nguyên liệu; bao tiêu sản phẩm từ nông sản đến thủy hải sản, các loại thịt tươi sống; hỗ trợ về vốn và kiến thức, giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng cả nước" - ông Nguyễn Anh Đức khẳng định. 

Hướng tới xuất khẩu

"Thông qua hệ thống đại siêu thị Co.opXtra là liên doanh giữa Saigon Co.op và NTUC Fair Price - nhà bán lẻ hàng đầu Singapore, vải thiều sẽ được kinh doanh trên quầy kệ tại những hệ thống phân phối của nhà bán lẻ này, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản "thương hiệu Việt" có mặt trên thị trường quốc tế" - ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết.

Nguồn: Minh Nhi - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản