Thống kê mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy 5 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nhãn đạt 124,76 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017 và là loại quả xuất khẩu có giá trị cao thứ 3 của Việt Nam, sau thanh long và sầu riêng. Trong thời gian trên, nhãn được ghi nhận xuất khẩu qua 3 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) nhưng riêng Trung Quốc đã chiếm 98% thị phần. Đây cũng là loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2018, nước này đã nhập khẩu 231.900 tấn nhãn tươi, trị giá 199,8 triệu USD, tăng 68,5% về lượng và tăng 89% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhãn là một trong những loại quả có lợi thế ở Việt Nam và được trồng ở cả miền Bắc và miền Nam. Trong khi miền Nam nông dân áp dụng biện pháp canh tác rải vụ cho trái quanh năm thì miền Bắc mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ vào tháng 8-9.
Năm 2015, Việt Nam mở cửa thành công quả nhãn tươi vào thị trường Mỹ với sản lượng xuất khẩu tăng dần hằng năm từ 292 tấn (2015) lên 1.535 tấn (2016) và lên 2.681 (2017) nhưng vẫn còn chiếm thị phần rất nhỏ so với thị trường Trung Quốc.
Nhãn xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần còn nhỏ sau khi mở cửa thị trường thành công
Theo lộ trình đàm phán mở cửa trái cây tươi vào các thị trường khó tính được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố, nhãn vẫn trong quá trình đàm phán để xuất khẩu sang Úc, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brasil, Argentina, Peru. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mở cửa với từng thị trường kéo dài từ 2-10 năm khiến việc đa dạng hóa thị trường gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, năm 2018, cả tỉnh có 3.820 ha diện tích trồng nhãn, dự kiến năm nay được mùa với sản lượng thu hoạch 41.000 tấn.
Vào những năm trước, nhãn Hưng Yên được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.