Những tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra vào thị trường EU bị ảnh hưởng do tác động từ các thông tin truyền thông “bôi nhọ” năm 2017 và Ả rập Xê út tiếp tục tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam, còn tại Hoa Kỳ, ngày 17-3-2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục từ 3,87 - 7,74 USD/kg, gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá cá ở mức cao, thời tiết khá thuận lợi, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương, sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra phát triển rất tốt. Những tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao từ năm 2017.
Thu hoạch cá tra nguyên liệu tại ao nuôi của người dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Theo Tổng cục Thủy sản, đến ngày 30-7-2018, diện tích thả nuôi cá tra là 4.033ha, bằng 106,1% so với cùng kỳ 2017; diện tích thu hoạch là 2.335ha, bằng 108,2% so cùng kỳ và sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn, bằng 114,4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 7 tháng năm 2018 đạt hơn 1,198 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” được tổ chức ở tỉnh An Giang mới đây, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Trên cơ sở kim ngạch xuất khẩu đã đạt được, năm nay là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu có thể vượt 2 tỉ USD. Những tháng đầu năm 2018 giá cá tra cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tại nhiều địa phương, cá tra nguyên liệu có giá 31.000 đồng/kg”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2018 đạt trên 2 tỉ đô la, tăng 300 triệu USD so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng do giá nguyên liệu tăng và nhu cầu tăng tại các thị trường chính. Các sản phẩm cá tra của nước ta được xuất khẩu sang 125 quốc gia trên thế giới, trong đó 4 thị trường chủ lực gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và các nước ASEAN, tăng trên 2 con số, chiếm 67% tổng xuất khẩu...
Năm qua, diện tích nuôi cá tra của nước ta đạt hơn 5.000ha, với sản lượng hơn 1,25 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,78 tỉ USD, tăng 4,3% so với năm trước.
Gỡ khó để phát triển bền vững
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan cần quan tâm rà soát lại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng để tháo gỡ, khắc phục kịp thời các khó khăn và hạn chế, đưa ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững. |
Hơn 20 năm qua, có thể nói cá tra là loại thủy sản đặc trưng, độc quyền của Việt Nam trong cả nuôi lẫn chế biến, xuất khẩu và sản phẩm này đang ngày càng được thị trường quốc tế ưa chuộng. Song, chính sức hấp dẫn đó nên gần đây nhiều nước đẩy mạnh đầu tư nuôi loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam, nhất là các nước như: Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia...
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, cho biết: Hiện sản lượng nuôi tại Ấn Độ đã đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn/năm. Đặc biệt, có thông tin cho biết Trung Quốc đã ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi thành công cá tra. Chúng ta cần quan tâm để kịp thời có những định hướng và giải pháp ứng phó với khả năng cạnh tranh. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các nước đẩy mạnh phát triển nuôi cá tra có thể thấy họ đang dành sự quan tâm đối với ngành hàng vốn là độc quyền của Việt Nam. Tới đây, một số thị trường Việt Nam nhắm đến có thể bị hạn chế nhu cầu nhập khẩu do cạnh tranh hoặc họ đã tự nuôi được cá tra. Do vậy, trong định hướng sản xuất ta cần chú trọng về chất lượng hơn số lượng để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh.
Để ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững, nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý và chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và quản lý chặt chất lượng các loại vật tư đầu vào và các sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, phải quan tâm cải thiện, nâng cao chất lượng con giống và nâng cao chất lượng, hạ giá thành các sản phẩm cá tra để tăng sức cạnh tranh. Xử lý kịp thời các rào cản thương mại, kỹ thuật cho sản phẩm cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, mối nguy cạnh tranh từ các nước và các tập đoàn đa quốc gia là rất lớn, ngành cá tra nước ta muốn phát triển bền vững phải tiếp tục tạo sự khác biệt và cách biệt. Cần kịp thời quan tâm cải thiện chất lượng con giống, tăng cường quản lý theo chuỗi, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hình ảnh chất lượng, uy tín thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Công ty rất tâm đắc với Đề án giống cá tra 3 cấp đang được các cấp chính quyền phối hợp cùng các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan và người dân để triển khai thực hiện nhằm cải thiện chất lượng và nguồn cung con giống, đảm bảo cho việc nuôi trồng đạt hiệu quả cao.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi thủy sản, nhất là cá tra. Nhưng những năm qua, việc nuôi cá tra thường xuyên rơi vào vòng lẩn quẩn, giá mua nguyên liệu đầu vào, giống, thức ăn, thuốc-hóa chất, giá cá tra nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế, lợi nhuận của người nuôi cá chưa thật ổn định, thiếu bền vững. Đáng chú ý là chất lượng con giống ngày càng suy giảm, trong khi chất lượng con giống là tiêu chí quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công trong quá trình nuôi. Nguyên nhân chất lượng giống chưa tốt do đàn cá bố mẹ không rõ nguồn gốc, khai thác quá mức, sinh sản nhiều lần trong năm, cộng thêm quy trình sản xuất giống chưa hoàn chỉnh. Tỷ lệ sống trong việc ươm cá tra hiện nay rất thấp, chỉ đạt 10-15% gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản xuất, làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành hàng cá tra của tỉnh An Giang và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Vì vậy, việc quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm chuyển đổi mô hình phát triển nghề nuôi cá tra tại ĐBSCL theo hướng bền vững có ý nghĩa quan trọng.