Theo ông Michael Patching, Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA), Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu bò trên thế giới. "MLA chính thức có mặt tại Việt Nam 3 năm trước, khi thị trường thịt bò tại Việt Nam rất sơ khai, không được quan tâm và chưa có điều kiện công nghiệp hóa.
Ngành thịt bò của Việt Nam đang có tiêu chuẩn rất thấp nên các doanh nghiệp muốn cải tiến rất khó để bắt đầu. Các hiện tượng như bò bị bơm nước, thịt bò giết mổ xong để dưới sàn mất vệ sinh rất phổ biến. Người ta dễ thấy thịt bò nhập khẩu được vận chuyển bằng xe máy thô sơ" - ông Michael nhận xét.
Thị bò Mỹ được bán tại siêu thị Ảnh: NGỌC ÁNH
Ông Michael cho biết ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm an toàn và đáng tin cậy hơn, giá cả không phải là yếu tố quá quan trọng. Bằng chứng là thịt trâu Ấn Độ (giá rẻ, thường được bán như thịt bò - PV) nhập khẩu có xu hướng giảm, trong khi bò nhập khẩu từ Mỹ và Úc đang tăng.
Thống kê cho thấy những năm gần đây, Việt Nam đều phải nhập khẩu thêm bò sống (chính ngạch từ Úc và biên mậu từ các nước lân cận) và bò đã qua giết mổ từ Úc, Mỹ… Đối với bò sống từ Úc, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đến 200.000 con. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập hơn 24.000 tấn thịt bò các loại với trị giá gần 91 triệu USD.
Như vậy, bình quân mỗi tháng Việt Nam phải chi ra gần 11,4 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này, tức khoảng 87.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt bò cho biết mức giá trên có thể chỉ là trên "giấy tờ" chứ không phải thực tế. "Hiện thịt bò nhập từ Mỹ đang chịu thuế từ 7%-18% tùy loại nên một số doanh nghiệp cố tình khai giá thấp để giảm thuế phải nộp" - ông này nêu.
Khảo sát tại các cửa hàng bán thịt bò nhập khẩu tại TP HCM cho thấy giá bán lẻ thịt bò Mỹ ở mức khá cao như: thăn nội 850.000 đồng/kg, thăn vai 650.000 đồng/kg, thăn ngoại 530.000 đồng/kg…