Nông sản An Giang – Tự hào vươn tầm thế giới

Thứ sáu, 15 Tháng 3 2019 15:41 (GMT+7)
Tín hiệu vui cho nông sản Việt Nam khi chinh phục được thị trường khó tính Mỹ, đó cũng là bước ngoặt lớn cho sự phát triển nông sản của tỉnh An Giang nói riêng với điển hình là trái xoài.

Trái xoài Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, sau thời gian 10 đàm phán. Đây có thể nói là tín hiệu vui cho nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

An Giang là tỉnh mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa, vườn tạp sang trồng cây ăn trái, nhiều nhất là xoài.

An Giang là tỉnh mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa, vườn tạp sang trồng cây ăn trái, nhiều nhất là xoài.

Xoài là một trong ngành hàng được tỉnh chọn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ đó giúp sản xuất phát triển ổn định theo hướng giảm dần sản lượng và nâng cao chuỗi giá trị nhằm bảo đảm tăng thêm lợi nhuận và thu nhập cho người dân. Nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường; thay đổi tập quán sản xuất cá thể, đơn lẻ, để hình thành các mối quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung và phát triển bền vững.

Đối với thị trường Mỹ, đây được xem là thị trường lớn, có sức tiêu thụ lớn với trái xoài. Vì vậy, họ phải nhập khẩu mỗi năm, đó là thị trường để Việt Nam tận dụng cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu vào. Các giống xoài được xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài tượng da xanh, xoài keo... tự hào khi xoài Việt Nam đã xuất khẩu sang 40 quốc gia trên thế giới.

Chính vì là thị trường lớn, nên khâu kiểm tra, quy định của họ cũng khá khắt khe so với các thị trường khác. Với những tiêu chuẩn như: điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu... Phải theo quy trình được phối hợp quản lý có hệ thống từ khâu trồng cho đến đóng thùng, vận chuyển... nhằm bảo đảm cho trái đạt chất lượng và không tồn dư chất bảo vệ thực vật. Ngoài ra, xoài phải được xuất sang Mỹ trên các chuyến hàng thương mại và có giấy tờ chứng nhận đầy đủ, gồm giấy đảm bảo xoài không có các vết đen làm hư trái. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, tỉnh An Giang mà cụ thể là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã cùng các công ty chọn các hộ ND sản xuất theo VietGAP để tiến hành lấy mẫu trái phân tích, phối hợp Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục BVTV) tiến hành khảo sát hiện trạng và cấp mã Code cho các hộ trồng xoài.

Sự nỗ lực của tỉnh An Giang từ các ngành chuyên môn cho đến người nông dân đã tạo nên một sự thành công đáng được ghi nhận. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh An Giang phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ở huyện Chợ Mới” tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất bảo đảm từ quá trình trồng, thu hoạch đến tiêu thụ xoài.

Chợ Mới là địa phương có diện tích xoài khá lớn, với 5.707ha. Trong đó hơn 127ha xoài được công nhận đạt chuẩn VietGAP, với 137 hộ tham gia. Xoài thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng thu hoạch trung bình đạt 15 tấn/ha. Tổng sản lượng 85.605 tấn/năm. Riêng hơn 127ha xoài 3 màu đã được chứng nhận VietGAP cho sản lượng 1.910 tấn/năm.

Chợ Mới là địa phương có diện tích xoài khá lớn, với 5.707ha. ảnh: internet

Thời gian qua, An Giang cũng đã thống nhất liên kết với Công ty XNK Chánh Thu (Bến Tre) tiến hành chọn các hộ nông dân trồng xoài tại xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rồi lấy mẫu trái phân tích, sau đó liên kết với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II khảo sát hiện trạng và cấp mã code cho các hộ dân để xuất khẩu xoài ba màu sống sang Mỹ.

Có thể xem để chinh phục được thị trường khó tính Mỹ là một tín hiệu vui không chỉ đối với nông sản Việt Nam mà còn là sự phấn khởi của bà con nông dân, tạo động lực để họ lao động sản xuất. Để việc xuất khẩu được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường thì người nông dân cần tuân thủ và sản xuất theo tiêu chuẩn vietGAP, tỉnh cần xây dựng và tìm đầu ra ổn định để người nông dân an tâm sản xuất. 

Hồng Muội - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản