Ngăn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập, lây lan

Thứ hai, 20 Tháng 5 2019 13:45 (GMT+7)
Những ngày qua, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gây lo ngại cho người chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo ở ĐBSCL. Mặc dù, ngành thú y và chính quyền địa phương kịp thời xử lý, nhưng người dân mong muốn bệnh dịch sớm được dập tắt...

TP Cần Thơ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại của các hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn. Ảnh: HÀ VĂN

 

TP Cần Thơ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại của các hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn. Ảnh: HÀ VĂN

Nguy cơ lây lan

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh DTHCP, hiện nay bệnh DTHCP đã xuất hiện ở ĐBSCL. Địa phương xảy ra dịch bệnh là tỉnh Hậu Giang, với đàn heo bị tiêu hủy hàng trăm con heo. Cụ thể, tại xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A), ngành thú y tỉnh Hậu Giang đã tiêu hủy 50 con heo của một hộ chăn nuôi; 18 con của một hộ khác tại xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy)... Hậu Giang có tổng đàn heo khoảng 150.000 con. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang cho biết, đã tăng cường công tác dập dịch và lập các trạm kiểm soát trong phạm vi bán kính vùng DTHCP tại 2 huyện Châu Thành A và huyện Vị Thủy. Hiện các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cấp cơ sở thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống  lây lan dịch bệnh...

Nguy cơ lây lan, xâm nhiễm DTHCP tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rất cao. Bởi đây là khu vực có hệ thống giao thông từ các tuyến đường bộ đến đường thủy kết nối đan xen, chằng chịt qua lại giữa các địa phương, rất khó kiểm soát. Đồng thời, việc mua bán, vận chuyển thịt heo, thực phẩm và sản phẩm chế biến từ heo phức tạp, rất khó cho các lực lượng cán bộ, nhân viên thú y kiểm soát, phòng dịch. Trong khi đó, giá heo hơi giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam hiện nay chênh lệch khá cao. Lượng heo thịt nhập vào ĐBSCL rất lớn, nhất là ở TP Cần Thơ. Bởi, thành phố là đầu mối phân phối sản phẩm động vật cho các tỉnh ĐBSCL, nguy cơ xâm nhiễm DTHCP vào thành phố rất cao. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, để ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhập địa bàn TP Cần Thơ, 2 trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông của thành phố đã kiểm soát 24/24 giờ trong ngày đối với hoạt động vận chuyển heo, sản phẩm heo ngang qua địa bàn thành phố. Trường hợp phát hiện có heo bệnh, nghi mắc bệnh, chết… các trạm kiểm dịch nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định. Kết quả, từ ngày 4-3-2019 đến ngày 7-5-2019, ngành thú y thành phố đã kiểm dịch 36.923 con heo nhập vào địa bàn thành phố. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, ngành thú y thành phố đã tổ chức 1.274 lượt kiểm tra về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y thịt, sản phẩm động vật tại các chợ, các cơ sở giết mổ động vật. Qua đó phát hiện 103 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 63 trường hợp với số tiền trên 175,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng trăm kilogram động vật không rõ nguồn gốc, không đạt điều kiện vệ sinh thú y…

 Ông  Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ thường xuyên cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP cho các cơ quan truyền thông đưa tin theo tinh thần vừa đảm bảo chống được dịch bệnh, vừa bảo vệ, phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang, lo lắng quay lưng với thịt heo sạch, thịt heo có nguồn gốc và đã được kiểm dịch…".

Chủ động ngăn chặn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, đến tháng 5-2019, thành phố có đàn heo hơn 124.300 con, đạt 91,4%, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn heo tại chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố chỉ khoảng 85%. Còn 15% nguồn heo phải nhập thêm từ các tỉnh, thành khác, như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Mặt khác, cơ cấu đàn chăn nuôi đa số là cách nuôi dạng nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp. Hiện nay, trong số hơn 5.200 hộ chăn nuôi heo, có trên  2.700 hộ nuôi heo dưới 10 con, chiếm tỷ lệ 52,4% tổng hộ nuôi heo; trên 1.260 hộ chăn nuôi heo dưới 20 con/hộ. Bên cạnh đó, thành phố có 10 trang trại nuôi heo với tổng đàn trên 4.380 con… Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi phát triển tự phát, nhiều trang trại vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, trình độ và tiếp cận thông tin về thị trường của chủ trang trại còn hạn chế, thiếu liên kết trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, lực lượng cán bộ thú y chuyên trách tại các địa phương khá "mỏng", mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y phụ trách, kiêm nhiệm là do tinh giản biên chế hệ thống thú y các cấp, dẫn đến không đủ nhân lực trong việc thực hiện kiểm dịch động vật cũng như các hoạt động thú y khác (trong phòng chống dịch bệnh động vật). Thêm nữa, chế độ thù lao cho người thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh còn rất thấp so chi phí thực tế dẫn tới tình trạng ngại hoặc chưa tích cực tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh…

Để triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTHCP, TP Cần Thơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét chậm lại việc sáp nhập các cơ quan thú y cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời củng cố, duy trì hệ thống thú y địa phương, như: Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp thành phố, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện và Ban Chăn nuôi Thú y cấp xã. Xem xét, ban hành quy định tạm thời, tạm dừng xuất heo từ các tỉnh có dịch ra ngoài địa bàn; xem xét, hỗ trợ người có heo bị tiêu hủy bắt buộc theo mức cụ thể và khả thi khi áp dụng… Ông Phạm Trường Yên cho biết: "Ngành chăn nuôi thành phố đang tăng cường công tác kiểm dịch động vật và tiêu độc phương tiện vận chuyển tại 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông; các chốt kiểm dịch lưu động được thành lập mới và duy trì hoạt động; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhiễm vào thành phố... Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc… Ngành nông nghiệp thành phố quyết tâm ngăn chặn sản phẩm heo, thịt heo không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn, nhằm ngăn chặn bệnh DTHCP  xuất hiện tại TP Cần Thơ".

HÀ VĂN - (Báo Cần Thơ)

T/h: HỒNG DIỄM - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản