Gỡ khó cho xuất khẩu trái cây

Thứ ba, 21 Tháng 5 2019 08:58 (GMT+7)
Bộ NN&PTNT nhận định, tiềm năng của xuất khẩu rau quả nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng rất lớn, bởi nhu cầu tiêu thụ trái cây trên thế giới rất cao. Tuy nhiên, các nước cũng đang dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ, nhất là những thị trường khó tính.

 

Gỡ khó về rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây.

Đưa trái cây vào thị trường Hoa Kỳ

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, trái xoài của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đã được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Úc, Canada… và nay thâm nhập vào Hoa Kỳ. Để vào được thị trường Hoa Kỳ thì năm 2009 các ngành chức năng của Việt Nam đã gửi hồ sơ xin mở cửa cho trái xoài. Nhiều năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của 2 nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực, cơ quan kiểm dịch thực vật hai bên đã đạt thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu xoài và kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ khi xuất khẩu xoài từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết: “Để xuất khẩu trái xoài tươi vào Hoa Kỳ, các địa phương và doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu như vườn trồng đạt tiêu chuẩn, an toàn, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật và Cục kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật... Dù có rất nhiều quy định nhưng nông dân, doanh nghiệp và ngành chức năng đã vượt qua để đưa trái xoài ĐBSCL vào Hoa Kỳ, mở ra hướng đi triển vọng cho trái cây”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), tâm sự: “Sau khi tìm hiểu được biết hàng năm Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Trong khi chất lượng xoài Việt Nam không hề thua kém các nước khác, do đó doanh nghiệp, nông dân và ngành nông nghiệp quyết liệt nâng chất lượng, tổ chức lại sản xuất, thu hoạch, thời vụ hợp lý để đưa trái xoài vào Hoa Kỳ thành công. Đây là trái cây thứ 6 được xuất vào Hoa Kỳ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa”.

Gỡ khó để phát triển bền vững

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Việc trái xoài thâm nhập vào thị trường khó tính trên thế giới như Hoa Kỳ sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, để xuất khẩu trái cây được lâu dài, đòi hỏi nông dân trồng xoài duy trì sản xuất đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói… đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Không thể có tư tưởng suy nghĩ hôm nay đã vào được thị trường khó tính, rồi ngày mai lơ là, thiếu đầu tư…”. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết: “Mỗi khi mở thị trường xuất khẩu trái cây luôn rất khó, rất tốn kém thời gian và kinh phí.  Song, khi đã mở được rồi nhưng việc giữ thị trường lại càng khó hơn nhiều, nó đòi hỏi sự quyết tâm cao và nhận thức đúng đắn của doanh nghiệp, nông dân, HTX, ngành chức năng nhằm cùng bảo vệ, phát triển; bởi rào cản kỹ thuật ở các thị trường luôn phức tạp”.

Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, các nước thành viên WTO khi xuất khẩu trái cây tươi phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của Hiệp định SPS và Công ước quốc tế Bảo vệ thực vật - IPPC; trong đó yêu cầu mặt hàng trái cây tươi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan thẩm quyền cấp. Ở các nước EU xây dựng bộ quy định đối với từng mặt hàng và họ có hệ thống kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, các trường hợp vi phạm sẽ bị cảnh cáo và tùy mức độ để áp dụng trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hoặc tạm ngưng nhập khẩu. Đối với Trung Quốc được coi là dễ tính trước đây thì nay cũng có nhiều rào cản kỹ thuật, khắt khe hơn về kiểm dịch thực vật; do đó việc xuất khẩu theo hình thức biên mậu bị hạn chế dần. Hiện Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch 8 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu; với yêu cầu kiểm dịch đầy đủ. Ngoài ra, để mở cửa đối với một loại trái cây tươi, phía Trung Quốc yêu cầu nộp hồ sơ kỹ thuật đánh giá nguy hại, dựa vào kết quả đó để xây dựng các tiêu chuẩn nhập khẩu…

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, do xu hướng các nước đang nâng cao rào cản kiểm dịch thực vật về an toàn thực phẩm sẽ khiến việc mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây khó khăn hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu nghiên cứu, dự báo có chiều sâu và toàn diện về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm, đặc biệt là thiếu thông tin về các đối thủ cạnh tranh. Vấn đề dịch vụ vận tải quốc tế từ nước ta đi châu Phi và khu vực Nam Mỹ chưa thuận lợi, thường qua trung chuyển; giá cước vận chuyển trái cây còn cao nên làm tăng chi phí xuất khẩu dẫn đến hạn chế cạnh tranh so với các nước khác… Đây là những thách thức không nhỏ cho xuất khẩu trái cây về lâu dài.

Có thể nói, nhu cầu tiêu thụ trái cây trên thế giới ngày càng cao và Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng chiến lược mở cửa thị trường xuất khẩu phù hợp, tập trung vào các thị trường lớn, dịch vụ vận chuyển thuận lợi và các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh (như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài…). Tiến hành quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất trái cây tập trung phục vụ xuất khẩu, gắn với cấp mã số vùng trồng, cũng như thực hiện giám sát quản lý chặt chẽ cấp mã số. Tại các vùng này sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Song song đó, có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm hướng tới nền sản xuất và xuất khẩu trái cây bền vững.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN - (Báo Hậu Giang)

T/h: HỒNG DIỄM - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản