Ngành cá tra vẫn chưa giải quyết được những bất cập

Thứ năm, 15 Tháng 8 2019 08:00 (GMT+7)
Đại hội Toàn thể hội viên Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang đã thành công tốt đẹp. Song những gì mà doanh nghiệp và ngư dân lo lắng, đặt ra tại đại hội vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Từ bất cập….

Cụ thể, đó là những bất cập của ngành hàng cá tra hiện nay. Tại đại hội, ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Khối Nuôi trồng của Tập đoàn Nam Việt đã đưa ra 3 bất cập lớn, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm cá tra trong hơn 20 năm qua. Bất cập thứ nhất là về sản lượng. Mỗi năm vùng ĐBSCL nuôi khoảng 1,4 triệu tấn cá để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Dẫu biết là vậy, song không phải năm nào sản lượng cũng giống nhau. Thực tế cho thấy, năm nào giá cá trên thị trường cao (như năm 2017 và 2018, giá lên đến 36.000 đồng/kg), năm đó do ngư dân làm giống không đạt. Con giống khan hiếm làm cho giá cá thịt tăng cao, nhà máy thiếu cá để chế biến xuất khẩu. Sản lượng cá hằng năm khi thừa, khi thiếu đã làm cho kế hoạch xuất khẩu của các nhà máy bị phá vỡ, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Bất cập kế tiếp về chất lượng. size cỡ không đồng đều, xuất khẩu gặp khó. Các nước chọn mua cá size nhỏ nhưng ngư dân thì có cá size lớn hoặc ngược lại, từ đó đã tạo ra lượng hàng hóa tồn kho không đáng có. Sản lượng cá nuôi hàng năm tăng/giảm bất thường, làm cho giá cá nguyên liệu không ổn định, các doanh nghiệp không ký được các hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu, nên mức tăng trưởng của doanh nghiệp không ổn định. “Chính tính chất không ổn định đó đã làm cho nhiều công ty chế biến chọn hướng đi riêng là khép kín quy trình sản xuất để có sản lượng, chất lượng và giá cả ổn định, hướng đến các hợp đồng xuất khẩu dài hạn…”- ông Vỹ phân tích.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Cao Phong, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai phân tích, nguyên nhân khiến cho ngành hàng cá tra thăng trầm là do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi. Việc mở rộng vùng nuôi một cách tự phát dẫn đến sự phát triển nóng, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm tăng không đáng kể. “Một nguyên nhân bao trùm tất cả các nguyên nhân là do người nuôi cá thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ. Nuôi cá đến kỳ thu hoạch không biết bán cho ai, từ đó mà rủi ro rất cao”- ông Phong phân tích.

… kéo theo sự bất ổn

Rủi ro của người nuôi đã xảy ra, nhiều ngư dân nuôi cá tra từ năm 2002, 2003 đến nay buộc phải rời khỏi ngành này vì thua lỗ. Về phía doanh nghiệp, nếu ở Cần Thơ có Công ty Cổ phần thủy sản Bình An thì ở An Giang, một số công ty cũng sụp đổ. Đó là Công ty Cổ phần Việt An, Công ty TNHH SX TM DV Thuận An. Hai công ty này từng được nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ phê duyệt cho vay vốn phát triển sản xuất, trong đó Thuận An được tỉnh chọn làm mô hình thí điểm, thực hiện chuỗi liên kết dọc cá tra… Mục đích hình thành và phát triển chuỗi này là để giải quyết tình trạng bất ổn của ngành cá tra. Song, khi những bất cập của ngành hàng cá tra chậm được giải quyết, nó đã dẫn đến hệ lụy không lường, hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng và của ngư dân nuôi cá tiêu tan. Đã có nhiều hội thảo bàn về quy hoạch vùng nguyên liệu, về tái cơ cấu ngành hàng cá tra, song đến nay việc thực hiện vẫn chưa triệt để” - ông Phong chia sẻ.

Đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX, tổ liên kết sản xuất mà ở đó, mỗi người cùng chung tay, góp sức, làm ăn thật sự để ngành hàng phát triển mang tính ổn định và bền vững là một trong những hướng đi tốt để giải quyết những vấn đề bất cập của ngành cá tra. Ở đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự đóng vai trò kiến tạo chính sách, định hướng phát triển. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia phải thực sự “thượng tôn pháp luật” thì ngành hàng cá tra mới có thể phát triển ổn định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản