Mở vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ

Thứ sáu, 20 Tháng 9 2019 07:45 (GMT+7)
Vụ lúa mùa năm 2014-2015, Lâm Anh Tú và Đặng Thị Trường An quê ở An Giang đến vùng sản xuất lúa - tôm của huyện Thạnh Phú mở vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Nắng đi đến đâu, thương hiệu gạo sạch Thạnh Phú cũng đã đi đến đó, trong đó có các nước châu Âu.

Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Hoa Nắng tại buổi ra mắt sản phẩm hữu cơ mới, đường mật mía.

Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Hoa Nắng tại buổi ra mắt sản phẩm hữu cơ mới, đường mật mía.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Việc triển khai trồng lúa không sử dụng phân hóa học thời gian đầu gặp khó khăn. Năm đầu tiên, Tú chỉ triển khai được 30ha trồng lúa trong nông dân. Theo cam kết ban đầu, Tú hợp tác với nông dân sản xuất, cung cấp phân hữu cơ cho nông dân sử dụng và bao tiêu thu mua lúa hữu cơ. 3 năm sau, diện tích tăng dần lên 100ha. Đến nay, vụ 2019-2020, Tú đã triển khai sản xuất được 200ha.

Để người dân tin tưởng sản xuất theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ do Hoa Nắng hướng dẫn, Tú cho biết, Hoa Nắng phải tuân thủ các điều khoản cam kết với nông dân. “Những năm đầu tiên, sản phẩm chưa được chứng nhận vùng trồng lúa sạch. Chúng tôi chưa bán ra thị trường nhiều mà chủ yếu giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng để trải nghiệm sản phẩm, phần nhiều là biếu, tặng. Riêng với người nông dân, chúng tôi thu mua với mức giá hỗ trợ cao hơn thị trường 30%, một phần sản phẩm chưa thu mua hết cho nông dân trong vùng trồng (người nông dân phải bán ra bên ngoài) thì chúng tôi hỗ trợ bằng tiền”, Tú cho biết.

Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, khi vùng lúa Thạnh Phú được công bố đã có chứng nhận nhãn hiệu Lúa sạch Thạnh Phú, Tú tiến hành bao tiêu 100ha trong nông dân để ra thị trường. Đến vụ năm 2018, 2019, Tú tăng lên 150ha (với hơn 120 hộ) và đến nay là 200ha. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, Hoa Nắng là công ty duy nhất tại Thạnh Phú liên kết với bà con nông dân từ năm 2014 đến nay mà vẫn đảm bảo cam kết với bà con nông dân.

Ngoài Hoa Nắng, nhãn hiệu Lúa sạch Thạnh Phú được nhiều doanh nghiệp trong nước biết đến, tìm đến để thu mua với giá cao. Nhờ vậy, khoảng 2 năm gần đây, lúa hữu cơ Thạnh Phú bán tại ruộng với giá khoảng 9 ngàn đồng/kg, chênh lệch cao hơn các vùng trồng lúa khác trong tỉnh và cả nước bình quân gấp 2 lần (giá lúa thường dao động 3.500 - 5.000 đồng/kg).

Sẽ mở rộng lĩnh vực sản xuất hữu cơ

 “Những năm đầu tiên, ê-kíp của Tú gặp rất nhiều khó khăn vì người nông dân không tin vào những người trẻ khởi nghiệp. Nhưng sau 1 năm kết thúc vụ, chúng tôi thực hiện đúng cam kết với nông dân như hỗ trợ giá lúa cho khoảng 30 - 40 hộ đầu tiên. Năm thứ hai, những hộ xung quanh cùng làm theo, diện tích sản xuất vùng nguyên liệu mở rộng hơn. Đến nay, nông dân rất thành thạo về quy trình kỹ thuật sản xuất của Hoa Nắng và chủ động xin tham gia”, Lâm Anh Tú chia sẻ.

Việc thực hiện đúng cam kết, lộ trình những năm đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp, Tú bù lỗ chi phí khá nhiều. “Công ty xem khoản bù lỗ là chi phí đầu tư ban đầu, đến nay, tín hiệu sản xuất đã khả quan hơn nhiều, công ty đã bắt đầu có lợi nhuận”, Tú khẳng định.

Từ thành công đầu tiên bằng con đường sản xuất gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế tại Thạnh Phú, Hoa Nắng đang phát triển thêm con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Lào, với sản phẩm đường mật mía. Tú tiết lộ thêm, bắt đầu năm 2020, Hoa Nắng sẽ triển khai sản xuất hữu cơ đối với vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản tại huyện Chợ Lách. Quan điểm của công ty là không vội vàng, từng bước hỗ trợ sản xuất nông dân được nhiều hơn.

Tú cho biết: “Ngoài gạo, Hoa Nắng sẽ phát triển trên lĩnh vực trái cây, như bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng. Bước đầu chuyển đổi dần từ sản xuất bằng phương pháp dùng phân thuốc hóa học sang hướng hữu cơ, công ty cũng bao tiêu để phân phối siêu thị, với mức giá mới chuyển đổi. Khả năng thời gian chuyển đổi 2 năm, nếu họ chuyển đổi tốt thì đến 3 năm vùng trồng sẽ được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ”. Không dừng lại ở đó, công ty tiếp tục triển khai đối với các sản phẩm khác trong vùng trồng lúa sạch Thạnh Phú như con tôm, cua, cá…

“Chúng tôi chỉ là người sáng lập Hoa Nắng. Người khởi nghiệp không thể giỏi hết, am hiểu hết trên tất cả các lĩnh vực và mục tiêu của Hoa Nắng là phát triển thương hiệu, vùng nguyên liệu để hỗ trợ được hiệu quả hơn cho người nông dân. Nên việc công ty được hỗ trợ về tài chính, định hướng… để phát triển thương hiệu thì Hoa Nắng luôn sẵn sàng miễn sao công ty vận hành tốt, ê-kíp vận hành thuận lợi, người nông dân hưởng lợi và người tiêu dùng sử dụng được sản phẩm tốt. Tuy nhiên, việc chọn đối tác mời gọi tham gia làm thành viên cổ đông cần phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của công ty”.

(Nhóm Startup Lâm Anh Tú và Đặng Thị Trường An)

 
Bài, ảnh: Nhiên Luận - (baodongkhoi.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản